Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bình Định: Học lớp 3 vẫn chưa thạo đánh vần

Nhiều học sinh tiểu học huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) chưa đọc thông, viết thạo, thậm chí cả những em học đến lớp 6, lớp 7 vẫn chưa thuần thục các phép tính nhân, chia.

Bình Định: Học lớp 3 vẫn chưa thạo đánh vần

Nhiều học sinh tiểu học huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) chưa đọc thông, viết thạo, thậm chí cả những em học đến lớp 6, lớp 7 vẫn chưa thuần thục các phép tính nhân, chia.

Theo báo cáo tổng hợp của các trường, hiện nay cả huyện An Lão (tỉnh Bình Định) có 78 học sinh bậc tiểu học và THCS đang “ngồi nhầm lớp”. Trong đó, có 66 học sinh THCS (trong đó có cả học sinh lớp 9) chưa thuần thục các phép tính nhân, chia, cộng, trừ và 12 học sinh tiểu học (kể cả lớp 3) chưa đánh vần thành thạo.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành giáo dục huyện An Lão đang phải sắp xếp giáo viên dạy bồi dưỡng, phụ đạo cho các em bằng cách. Buổi sáng ngồi học lớp 6, lớp 7, thì buổi chiều ngồi học lớp 3, lớp 4 để tập đọc hay làm những phép tính đơn giản nhằm “củng cố” kiến thức để cuối năm các em đủ điều kiện lên lớp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình - phó trưởng Phòng Giáo dục huyện An Lão cho biết: “Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh lớp 6” trong thực hiện đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2010 - 2015 của huyện. Một số giáo viên các trường phát biểu tham luận phản ánh, vẫn còn tình trạng nhiều học sinh học lực yếu kém. Sau đó, phòng đã tổ chức kiểm tra, khảo sát để tìm giải pháp nâng cáo giáo dục huyện nhà. Đồng thời, tổ chức dạy bồi dưỡng kiến thức để cuối năm các em đủ điều kiện lên lớp, chứ thực ra không phải là “ngồi nhầm lớp…”.

Ông Bình nói thêm: “Đó chỉ là một số học sinh cá biệt, chủ yếu là học sinh người đồng bào dân tộc, khả năng tiếp thu hạn chế, gia đình không quan tâm, bản thân các em lại thiếu ý thức học tập… Hơn nữa, một số học sinh học đi, học lại cả 2, 3 năm lớp 5, khi lên lớp 6 chương trình mới, phương pháp dạy mới, các em tiếp thụ chậm không theo kịp mới xảy ra tình trạng trên”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ có huyện miền núi An Lão mà tại một số trường ở xã miền núi Canh Liên (huyện Vân Canh) cũng không ít những trường hợp học sinh đã lớp 3, lớp 4 mà còn đánh vần từng chữ, bảng cửu chương chưa thuộc hết.

Nhiều học sinh miền núi huyện miền núi Vân Canh được xem là học khá trong lớp nhưng khi làm phép tính cộng, trừ mà phải xóa đi xóa lại đáp án nhiều lần.

Một số giáo viên công tác giảng dạy ở các huyện miền núi như An Lão, Vân Canh cho rằng nguyên nhân xảy ra tình trạng “ngồi nhầm lớp” là do phần đa số học sinh ở miền núi thì khả năng tiếp thu bài chậm, học trước quên sau, bản thân các em không có ý thức học, gia đình lại không quan tâm. Bên cạnh đó, một số giáo viên chưa tâm huyết do giáo viên luôn chuyển chỉ làm cho xong nhiệm vụ, không chịu tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Quan trọng hơn vẫn là bệnh chạy theo thành tích. Vì giáo viên sợ học sinh nếu ở lại nhiều năm sẽ chán nản rồi bỏ học nên... đành để các em lên lớp.

Nói về vấn đề này, ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định cho biết: “Sở cũng mới biết thông tin, chúng tôi sẽ tiến hành thanh kiểm tra gấp xác minh sự việc…”.

Theo Dân Trí

Theo Dân Trí

Bạn có thể quan tâm