Thể loại: Hành động, giả tưởng, siêu anh hùng
Đạo diễn: Ryan Coogler
Diễn viên chính: Chadwick Boseman, Lupita Nyong’o, Michael B. Jordan
Zing.vn đánh giá: 8/10
Black Panther - Chiến binh Báo Đen là tác phẩm thứ 18 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). |
Do hai tác giả Stan Lee và Jack Kirby sáng tạo nên vào năm 1966, Black Panther là một trong những siêu anh hùng chính thống da màu đầu tiên của thế giới truyện tranh, xuất hiện nhiều năm trước khi các nhân vật đình đám khác như Falcon (1969), Luke Cage (1972), John Stewart (1971) hay Blade (1973) lần lượt ra đời.
Black Panther thực tế không phải một nhân vật cụ thể, mà là danh hiệu dành cho các đời vua trị vì Wakanda - một vương quốc giả tưởng ở châu Phi. Wakanda vừa có nền văn minh lâu đời, vừa sở hữu nền tảng khoa học công nghệ tân tiến vượt xa thế giới bên ngoài nhờ nghiên cứu và ứng dụng vibranium.
Thứ kim loại ngoài hành tinh với nhiều đặc tính siêu việt tồn tại trong khối thiên thạch khổng lồ rơi xuống vùng đất Wakanda từ thuở xa xưa khiến vương quốc trở thành mục tiêu nhòm ngó của nhiều thế lực. Được ban tặng sức mạnh và trí tuệ siêu phàm từ thần báo Bast, các Black Panther nối tiếp nhau cai quản và bảo vệ quê hương.
Trải qua thời gian, Black Panther kết hợp cùng nhiều nhóm siêu anh hùng như Fantastic Four, Avengers hay X-Men để chung tay chống lại nhóm kẻ thù chung, qua đó bảo vệ Wakanda nói riêng, và cả Trái đất nói chung.
Black Panther tiêu biểu nhất là T'Challa - quốc vương hiện tại của Wakanda. Trên màn ảnh rộng, anh từng xuất hiện với vai trò nhân vật phụ ở bom tấn Captain America: Civil War (2016). Sau màn chào sân ấn tượng và giành nhiều tình cảm từ khán giả, nhân vật nay có tập phim riêng, chính thức mở màn năm 2018 cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).
Phản ánh lý tưởng nhân sinh vượt ngoài mô-típ thiện - ác
Bộ phim Black Panther là các sự kiện xảy ra ngay sau Captain America: Civil War. Sau cái chết của vua cha, T'Challa (Chadwick Boseman) trở về quê hương để tham dự lễ đăng cơ, kế thừa ngai vàng. Trải qua thử thách truyền thống, anh chính thức trở thành tân vương của Wakanda.
Cùng lúc này, Ulysses Klaue (Andy Serkis) - tên trùm buôn lậu vũ khí từng xuất hiện trong Avengers: Age of Ultron (2015) - tiến hành một vụ cướp cổ vật làm từ vibranium tại viện bảo tàng Anh quốc.
Trong quá khứ, Klaue vốn có nợ máu với Wakanda khi hắn đánh cắp một lượng lớn vibranium, khiến nhiều người dân nơi đây thiệt mạng. Phát hiện ra tung tích của kẻ thù, T'Challa quyết tâm truy bắt Klaue và tóm gọn hắn tại một cuộc giao dịch phi pháp ở Hàn Quốc.
Bất ngờ xảy ra khi Ulysses Klaue được một đồng minh bí ẩn giải cứu. Sau đó, T'Challa phát hiện ra rằng toàn bộ sự việc đều nằm trong kế hoạch của một kẻ lưu vong đang âm mưu thôn tính vương quyền, và đe dọa nền hòa bình của cả Wakanda lẫn toàn thế giới.
Về tổng thể, Black Panther sở hữu cốt truyện tương đối đơn giản, dễ nắm bắt, với mục tiêu chính rõ ràng: hành trình trở thành vị vua chân chính của T'Challa. Mạch truyện diễn ra tuyến tính với các diễn biến cụ thể xuất hiện tuần tự, không ẩn chứa bất cứ nút thắt hay bí mật nào gây khó hiểu.
Tuy nhiên, Black Panther không chỉ mang mô-típ thiện - ác thông thường như đa số tác phẩm cùng thể loại. Kể câu chuyện về một siêu anh hùng da màu, đồng thời lại là vua của một quốc gia châu Phi, bộ phim muốn đề cập đến khá nhiều vấn đề vĩ mô về lịch sử, xã hội, và các nước thuộc thế giới thứ ba.
Đó là nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân đế quốc, tư duy bế quan tỏa cảng… Chúng khiến bên trong mỗi nhân vật hình thành nên tư duy và lý tưởng khác nhau, và từ đó tạo ra xung đột cho toàn bộ phim.
Nhóm phản diện trong phim không chỉ sở hữu tham vọng đơn thuần như tiền tài hay quyền lực, mà còn cả lý tưởng cực đoan vốn ra đời từ thực tế lịch sử, xã hội đầy nghiệt ngã.
Điều đó giúp Black Panther mang chiều sâu tư tưởng lớn hơn hẳn so với nhiều bộ phim cùng thể loại. Động cơ của các nhân vật dù cực đoan hay không vẫn có điểm hợp lý nhất định, có thể cảm thông bởi “hoàn cảnh tạo nên con người”.
Đây là nét độc đáo mà có lẽ chỉ một tác phẩm thuần chất da màu như Black Panther, từ bối cảnh, nhân vật, đạo diễn và dàn diễn viên thể hiện, mới có thể truyền tải tới khán giả đại chúng.
Góc nhìn mới đáng nhớ về Lục địa đen
Có không ít tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh là các quốc gia thuộc Lục địa đen, mà ở đó, châu Phi thường hiện lên với góc nhìn tiêu cực, với sự nghèo đói, với những bất ổn về chính trị, xã hội do xung đột quân sự hoặc sắc tộc gây ra. Nhưng mọi thứ hoàn toàn đổi thay trong Black Panther.
Tuy là một quốc gia giả tưởng, nhưng Wakanda được xây dựng khá gần gũi với thực tế. Đạo diễn Ryan Coogler đem đến cho khán giả cái nhìn toàn cảnh và chi tiết về quốc gia châu Phi, từ hoàn cảnh lịch sử, cấu trúc xã hội, cho đến phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, khoa học công nghệ… Mọi thứ hiện lên vô cùng sinh động, tạo ra cảm giác chân thực cao.
Nhiều điểm nhấn đặc trưng của văn hóa châu Phi ngoài đời thực được kết hợp tinh tế và hài hòa với loạt chi tiết sáng tạo giả tưởng. Không còn những hoang mạc khô cằn, những bất ổn, xung đột liên miên khiến người dân đói khổ, loạn lạc, Wakanda hiện lên với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thanh bình, nhiều sắc thái.
Xã hội Wakanda tồn tại song hành những giá trị cổ truyền, tuân theo tập tục truyền thống có từ nghìn xưa, cùng với nền công nghệ tân tiến, vượt trội. Vẫn có các bộ lạc du mục với ngôi nhà tranh đơn sơ, phục trang truyền thống sặc sỡ, cùng đám chiến binh bảo vệ đất nước với giáo mác. Vẫn có những trận thách đấu nhằm khẳng định quyền uy và tôn vinh vị lãnh đạo của cả dân tộc. Vẫn có niềm tin bất diệt vào các vị thần linh và tổ tiên phù hộ.
Trong thế giới hiện đại, loạt giá trị truyền thống đó không mai một. Chúng được cải tiến, duy trì theo hướng tích cực nhờ khoa học công nghệ. Khán giả sẽ thích thú khi có cơ hội trải nghiệm một Lục địa đen đầy khác biệt. Châu Phi nay rực rỡ, tươi mới, ngập tràn sức sống, không hề thua kém bất cứ vùng lãnh thổ hay nền văn hóa nào trên màn ảnh.
Góp phần tạo nên bối cảnh thế giới ấn tượng đó là phần thiết kế sản xuất, quay phim, thiết kế phục trang và dàn dựng âm thanh chất lượng. Black Panther sở hữu nhiều khung hình đẹp mắt, tái hiện thiên nhiên hùng vĩ, cùng loạt kiến trúc độc đáo. Các nhân vật mang diện mạo hoàn toàn khác biệt với những bộ cánh rực rỡ, bắt mắt, nhưng vẫn hài hòa, tinh tế.
Phần âm nhạc của bộ phim rất đa dạng khi kết hợp tài tình giữa âm hưởng dân tộc cổ truyền với phong cách hip hop phóng túng, hiện đại. Tất cả giúp tạo ra cảm giác đặc trưng rất riêng cho tác phẩm.
Nhìn chung, Black Panther đã thành công trong việc xây dựng nên một bối cảnh thế giới ấn tượng và đáng nhớ. So sánh với các địa danh giả tưởng khác như Asgard trong loạt Thor hay các thiên hà, hành tinh xa xôi của loạt Guardians of the Galaxy, Wakanda thậm chí còn có phần nổi bật hơn.
Diễn xuất chất lượng và đồng đều
Bộ phim Black Panther sở hữu dàn diễn viên trẻ có năng lực gần như tương đương. Họ đều đem đến ấn tượng nhất định cho nhân vật của mình. Mỗi gương mặt trong phim mang nét ngoại hình, cá tính, lý tưởng riêng biệt, không bị trùng lặp hay mờ nhạt so với tổng thể.
Từ nhân vật phản diện gian xảo, cuồng ngạo Erik “Killmonger” Stevens (Michael B. Jordan) đến đội trưởng đội cận vệ hoàng gia Okoye (Danai Gurira) đầy trung thành, hay cô công chúa nhỏ Shuri (Letitia Wright) thông minh, nghịch ngợm và yêu quý anh trai, tất cả đều để lại dấu ấn riêng.
Một điều khá trớ trêu là bản thân nhân vật chính của tác phẩm - người hùng Black Panther / đức vua T’Challa - lại có phần lép vế hơn so với các nhân vật phụ. Cá tính và nét diễn xuất của Chadwick Boseman còn đơn điệu, chưa đủ phong phú.
Phần hành động của Black Panther không nhiều và có phần kém hoành tráng hơn so với các bộ phim khác của MCU. Nhưng chúng vẫn đảm bảo tính giải trí cao với những nét sáng tạo khá thú vị nhờ áp dụng khả năng siêu việt của kim loại vibranium vào các trận chiến tay đôi truyền thống.
Bên cạnh nhiều điều đáng khen, Black Panther còn tồn tại một số điểm trừ có phần đáng tiếc. Bộ phim đề cập đến nhiều lý tưởng vĩ mô, tạo nền tảng cho xung đột giữa các nhân vật. Nhưng tất cả hầu như mới chỉ dừng lại ở bề nổi.
Khán giả có thể hiểu vấn nạn phân biệt chủng tộc và tư tưởng thực dân đế quốc đã tạo ra tâm lý cực đoan cho Killmonger, hay chủ trương bế quan tỏa cảng của các đời vua Wakanda trước. Nhưng bộ phim thiếu đi các chi tiết thể hiện rõ nét điều đó. Hậu quả là những vấn đề trong phim còn mờ nhạt, chưa phải là động lực mạnh mẽ, thuyết phục cho nhóm nhân vật hành động.
Không có nền tảng xung đột rõ ràng khiến diễn biến tâm lý nhân vật cũng thiếu đi lối xây dựng hợp lý, đặc biệt là nhân vật phản diện Killmonger. Từ đầu đến cuối, gã chỉ được miêu tả là kẻ cuồng ngạo với tâm lý cực đoan, cùng dã tâm đem sức mạnh công nghệ để lật đổ các quốc gia khác, ảo tưởng về một ngày mặt trời không bao giờ lặn trên đế chế Wakanda.
Nhưng do phải chia sẻ đất diễn với các nhân vật phản diện khác, Erik Killmonger không có đủ thời lượng để phát triển tâm lý, hoàn cảnh xuất thân. Điều đó khiến lý tưởng của hắn còn hời hợt. Đây là điều rất đáng tiếc bởi hoàn cảnh và nhân vật có thể trở nên sâu sắc và thuyết phục hơn, giúp Killmonger trở thành đối trọng mạnh mẽ với tư tưởng nhân đạo, đức trị của T’Challa.
Black Panther cũng gặp phải vấn đề về mặt tiết tấu khi bộ phim cần phân chia thời lượng cho nhiều tuyến nhân vật phản diện, khiến mạch phim hơi lê thê ở đoạn giữa. Trong khi đó, xung đột và cao trào ở cuối phim lại diễn ra khá chóng vánh.
Nhìn chung, Black Panther là nét chấm phá mới mẻ, khác biệt của MCU. Không đơn thuần chọn một siêu anh hùng da màu làm nhân vật chính, tác phẩm còn tôn vinh các giá trị và tinh thần của Lục địa đen với góc nhìn mới mẻ. Tuy vẫn còn một vài hạn chế, nhưng đây là bước đệm vững chắc để MCU có thể dũng cảm đưa ra các sáng tạo tiếp theo trong tương lai gần.
Black Panther - Chiến binh Báo Đen chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ 23/2.