Trong bối cảnh nhu cầu nội địa Trung Quốc suy yếu, người dân ngày càng dè dặt trong chi tiêu. Ảnh minh họa: @he.hui.xiang. |
Khi nhu cầu nội địa giảm, xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc đang dần thay đổi, với hình thức thuê ngày càng được ưa chuộng hơn so với việc sở hữu, theo Reuters.
People's Daily mới đây đã có bài bình luận lạc quan về hiện tượng "thuê thay vì mua", coi đây là động lực mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Theo bài viết, mô hình kinh tế chia sẻ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tiết kiệm mà còn mang đến các lựa chọn hợp lý hơn cho người dân.
Thay vì chi hơn 5.000 NDT (khoảng 685 USD) để sở hữu một chiếc flycam, người dùng có thể thuê với giá chỉ 1 NDT/ngày (khoảng 0,14 USD). Tương tự, túi xách hàng hiệu Louis Vuitton "mới 99%" cũng có thể được thuê với giá 35 NDT/ngày (khoảng 4,8 USD).
Nỗ lực kích cầu
Số liệu từ chính phủ cho thấy doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng chỉ tăng 3,5% trong giai đoạn tháng 1-11, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 7,2% của năm 2023, khi nền kinh tế được thúc đẩy bởi hiệu ứng hồi phục sau đại dịch.
Đáng chú ý, doanh số bán lẻ tại Bắc Kinh, thủ đô và trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đã giảm 2,8%, phản ánh sự suy giảm không chỉ tại các thành phố nhỏ mà còn ở cả các đô thị lớn.
Xu hướng "thuê thay vì mua" ngày càng phổ biến do người dân muốn tiết kiệm và linh hoạt hơn. Ảnh minh họa: Qilai Shen. |
Nhằm khuyến khích tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc đã triển khai chương trình "đổi cũ lấy mới" trong năm nay. Chương trình này hỗ trợ người dân đổi các thiết bị gia dụng, xe đạp và thậm chí cả ô tô cũ để nhận trợ cấp mua sắm.
Theo các quan chức, sáng kiến này đã thúc đẩy doanh số vượt 1.000 tỷ NDT (khoảng 137 tỷ USD), góp phần tạo động lực cho tiêu dùng nội địa, dù tác động thực tế chưa được phản ánh rõ trong các số liệu chính thức.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào sản xuất và xuất khẩu, trong khi tiêu dùng gia đình tiếp tục suy giảm. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Bắc Kinh cần điều chỉnh chính sách, đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Giải pháp tiêu dùng linh hoạt
Trong bối cảnh đó, xu hướng "thuê thay vì mua" nổi lên như một giải pháp linh hoạt, giúp người dân vừa tiết kiệm chi tiêu vừa nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo China Economic Net, mô hình này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng có thể trải nghiệm sản phẩm cao cấp với chi phí hợp lý, trong khi doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, đa dạng hóa dịch vụ và tăng doanh thu.
Nhiều mặt hàng giá trị cao, như flycam hay túi hiệu, giờ có thể thuê với chi phí rất thấp. Ảnh minh họa: @he.hui.xiang. |
Chẳng hạn như tại cửa hàng thiết bị chụp ảnh tại Bắc Kinh, nơi đã chuyển đổi từ bán hàng truyền thống sang mô hình cho thuê, khách hàng có thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng và đặt thuê trực tuyến.
Sự thay đổi này không chỉ giúp cửa hàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ mà còn gia tăng đáng kể doanh thu nhờ lượng khách hàng mới.
Trước đây, người Trung Quốc thường chỉ thuê các tài sản có giá trị lớn như nhà ở hay xe hơi. Nhưng giờ đây, xu hướng thuê đã lan rộng sang các mặt hàng nhỏ hơn như máy ảnh, tai nghe, quần áo và nhiều sản phẩm khác.
Các dịch vụ cho thuê quần áo, trang phục truyền thống, thiết bị cắm trại và đồ trượt tuyết cũng đang phát triển mạnh mẽ. Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các dịch vụ cho thuê đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu trải nghiệm và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
"Hermès Birkin" của ngành xuất bản
Nhà xuất bản cao cấp Assouline nổi tiếng với những cuốn sách sang trọng có giá từ 1.000 USD, được ví như "Hermès Birkin" của ngành sách. Thành lập 3 thập kỷ trước, Assouline đã xuất bản khoảng 2.000 đầu sách, bao gồm bộ sưu tập "The Ultimate Collection" với các ấn bản giới hạn, được đóng bằng da hoặc nhung, có giá hàng chục nghìn USD.