Mới đây HRC – Câu lạc bộ Nguồn nhân lực Đại học Ngoại Thương đã cho ra mắt một bộ ảnh thú vị với chủ đề #dungbidong (đừng bị động), khai thác những suy nghĩ bị động mà các bạn sinh viên thường gặp trong suốt 4 năm trên giảng đường.
Theo chia sẻ của team thực hiện, trong suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta thường đã quen với lối học tập, suy nghĩ bị động, bài ghi cô giáo đọc, bài tập về nhà cô giáo giao, đề luyện thi cô giáo soạn…
Ở giai đoạn năm nhất và đầu năm hai. Lúc này sinh viên chìm đắm trong môi trường tự do của Đại Học, họ bị động và lơ là trong học tập. |
Phần đông học sinh Việt Nam không có khả năng tự ra sáng kiến, tự hành động mà luôn luôn có tư tưởng là mọi thứ cần thiết sẽ được người khác đặt ra trước mắt mình.
Điều này rất nguy hiểm khi lên môi trường đại học, nơi mà các sinh viên phải chủ động tìm kiếm kiến thức, rèn luyện kĩ năng. Những bạn không kịp thay đổi tư duy thì sẽ thường bị cuốn theo những thú vui ngắn hạn, vô bổ, đó cũng có thể là ngọn nguồn khiến nhiều tuổi trẻ bị đánh mất.
Với mong muốn giúp các bạn sinh viên nhận thức rõ sự bị động nằm sâu con người mình, qua đó dần thay đổi để chủ động hơn trong cuộc sống, HRC đã sử dụng hình ảnh băng dính để phản ánh hình ảnh lối suy nghĩ bị động đã “dính chặt” vào chúng ta từ sâu trong tiềm thức, thậm chí trở thành thói quen, lối sống.
Khi không chủ động thì chúng ta sẽ không có thêm kiến thức mới, rèn luyện và trau dồi kĩ năng mới. Vì vậy, dù có nhiều nguồn tri thức rộng lớn đến đâu, thầy cô hướng dẫn có xuất sắc đến đâu, được trao bao nhiêu cơ hội thì chúng ta cũng không thể tận dụng hết những điều đó, dẫn đến việc tiềm năng không được phát huy tối đa.
Trong giai đoạn năm 2, năm 3, lúc này sinh viên lưu tâm tới việc học tập hơn. Tuy nhiên, họ vẫn quen lối suy nghĩ của học sinh: chỉ học là đủ, học tốt là được. Họ không chủ động rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng tuyển dụng, tích lũy kinh nghiệm làm thêm để chuẩn bị cho tương lai.
Trong giai đoạn năm 3, năm 4, lúc này, sinh viên đã quan tâm đến tương lai của mình, họ băn khoăn đam mê, định hướng nghề nghiệp của mình là gì. Thế nhưng thay vì tìm câu trả lời, họ không chủ động tìm hiểu, dấn thân và trải nghiệm. Họ tự an ủi mình bằng những suy nghĩ như “Khi nào đam mê đến thì sẽ biết”.
Thông qua bộ ảnh trên, team thực hiện cũng muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên những thông điệp giản dị: “Đừng trông chờ những điều tốt đẹp tự tìm đến với mình, hãy hành động và làm chúng xảy ra.”