Tại buổi họp báo thông tin về tình hình, kết quả công tác công an năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan đang được tiếp tục điều tra giai đoạn hai.
Ở giai đoạn này, cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi 'Lừa đảo trong phát hành trái phiếu' và hành vi 'Rửa tiền'. Trong đó xác định, bà Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu.
Đối với hành vi 'Lừa đảo trong phát hành trái phiếu', Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, bà Trương Mỹ Lan thông qua 4 doanh nghiệp phát hành 25 gói trái phiếu, thu trên 30 nghìn tỷ đồng của 25.000 nhà đầu tư. Bộ Công an đã uỷ thác điều tra cho công an các đơn vị, địa phương tiếp nhận, làm việc với các nhà đầu tư liên quan.
Đối với hành vi 'Rửa tiền', Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin: Số tiền mà bị can Trương Mỹ Lan chiếm đoạt được thông qua các hành vi vi phạm chủ yếu được sử dụng vào việc đầu tư mua các bất động sản lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, bà Lan còn chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư.
Bà Trương Mỹ Lan và các bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Bộ Công an. |
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan và 85 bị can khác.
86 người bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 353; khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.