Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công an làm rõ thông tin đưa tiền nâng điểm ở Sơn La

Cơ quan điều tra vẫn đang thu thập thêm chứng cứ để làm rõ thông tin đưa và nhận tiền từ người nhà thí sinh để nâng điểm thi THPT quốc gia tại Sơn La.

Chiều 31/5, trung tướng Lương Tam Quang - Chánh văn phòng Bộ Công an - cho biết cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến gian lận thi cử năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình.

Cụ thể, vụ gian lận thi ở Hà Giang và Sơn La đã được giao cho công an các tỉnh này điều tra. Riêng vụ việc ở Hoà Bình do cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an thụ lý.

Trả lời câu hỏi về thông tin người nhà thí sinh tại Sơn La đưa tiền cho cán bộ của hội đồng thi tỉnh này để sửa điểm, nâng điểm thi, ông Quang cho hay cơ quan điều tra đã có thông tin nhưng đang đấu tranh làm rõ.

"Chúng tôi đang thu thập thêm tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh lời khai đưa và nhận tiền để nâng điểm cho thí sinh. Vì vậy, cơ quan điều tra cũng chưa có đủ căn cứ để kết luận có hay không việc đưa tiền từ người nhà thí sinh. Khi có thông tin chúng tôi sẽ công bố", ông Quang nói.

gian lan thi cu tai Son La anh 1
Trung tướng Lương Tam Quang trả lời về việc điều tra vụ gian lận thi cử tại Sơn La. 

Trước câu hỏi Bộ GD&ĐT có xem xét bỏ kỳ thi THPT quốc gia như đề xuất của các đại biểu Quốc hội không, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định không thể bỏ kỳ thi này vì làm vậy là trái Luật Giáo dục.

"Luật Giáo dục nêu rõ học sinh học hết lớp 12 phải dự một kỳ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Do đó, trước hết phải thi để xét tốt nghiệp THPT. Trước kia, để tốt nghiệp cấp tiểu học, THCS học sinh đều phải thi. Nhưng từ năm 2005, chúng ta đã bỏ những kỳ thi này, chỉ còn duy nhất kỳ thi THPT quốc gia. Nếu bỏ kỳ thi này thì thí sinh không có động lực học tập", ông Độ nói.

Thứ trưởng Độ cũng cho biết thêm kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đã giảm gánh nặng cho thí sinh và người nhà nhưng vẫn đánh giá công bằng, khách quan năng lực của người học.

"Trước năm 2015, thi sinh phải thi tốt nghiệp THPT sau đó thi đại học, cao đẳng, trung cấp ở nhiều khối khác nhau, tạo gánh nặng rất lớn cho các em và gia đình. Hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia là kỳ "lưỡng tính", mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp THPT nhưng các trường vẫn có thể dựa trên kết quả này để tuyển sinh", ông Độ thông tin.

Sáng 31/5, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành 7 phút giải trình trước Quốc hội 2 nội dung chính là kỳ thi THPT quốc gia và bạo lực học đường. 

Người đứng đầu ngành giáo dục nhận trách nhiệm của cá nhân ông và Bộ GD&ĐT trong những sai sót liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đặc biệt là việc gian lận tại một số địa phương.

Ông Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu khắc phục những sai sót, lỗ hổng của kỳ thi trước, không để tái diễn trong năm nay. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường điều động cán bộ coi thi, tăng cường công tác thanh và kiểm tra. Việc chấm thi sẽ giao cho các trường đại học phụ trách. Ngoài ra, phần mềm sẽ được nâng cấp, mã hóa toàn bộ dữ liệu. Các khu vực thi và chấm thi sẽ có camera theo dõi, giám sát.

Đại biểu Quốc hội đòi trả công bằng cho thí sinh trượt oan vì gian lận

Cho rằng Bộ GD&ĐT mới chỉ giải quyết trường hợp được nâng điểm, đại biểu Quốc hội đề nghị bộ này và các trường đại học phải gọi thí sinh trượt oan để đảm bảo công bằng cho các em.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm