Ảnh hưởng của bọ đậu đen
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn bởi bọ đậu đen xuất hiện dày dặc trong nhà.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay bọ đậu đen là một loài côn trùng cánh cứng, tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae.
Bọ đậu đen đã xuất hiện cách đây hàng chục năm ở khắp cả nước. Trong đó, Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ là những khu vực loại côn trùng này xuất hiện với mật độ dày đặc hơn cả.
Năm 2013, thời điểm bọ đậu đen xuất hiện với mật độ nhiều nhất, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương có cử cán bộ tiến hành khảo sát tình hình ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và đã có ghi nhận ban đầu.
Theo tiến sĩ Chính, loại bọ này sống chủ yếu ở những khu vực trồng cây cao su. Chúng xuất hiện vào dịp cuối xuân, đầu hè. Ấu trùng của bọ đậu đen sống trong lòng đất - nơi có nhiều lá cao su rụng, rất lý tưởng để chúng sinh sôi và phát triển.
Bọ đậu đen không gây hại cho cây trồng và sức khỏe con người. Chuyên gia này cũng cho hay, dịch tiết của chúng không gây phỏng rộp da như nhiều trang báo đưa tin.
Tuy nhiên, sự xuất hiện với mật độ cao của bọ đậu đen đang gây ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của những hộ dân bị chúng tấn công. Loài bọ này bám đầy trên các tường vác, đồ đạc của người dân, đồng thời tiết ra mùi hăng nồng nên gây khó chịu cho con người.
Vẫn theo tiến sĩ Chính, bọ đậu đen chỉ xuất hiện ở một số hộ dân nhất định chứ không phải nhà nào cũng có và thường tập trung vào ban đêm. Chuyên gia cho rằng, sự tập trung này do bọ tiết ra một chất hấp dẫn để kêu gọi bầy đàn.
Vị chuyên gia này cũng cho hay chưa có công trình nghiên cứu quy mô về loại bọ đậu đen này, nên những nhận định mới chỉ mang tính chất sơ khai, cần các cơ quan chức năng vào cuộc hơn nữa để làm rõ tác hại của loài côn trùng này đối với sức khỏe con người.
Ông Chính cũng cho biết thêm sắp tới, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương sẽ đề xuất một công trình nghiên cứu về loại bọ này.
Biện pháp tiêu diệt
Như đã nói, bọ đậu đen đã xuất hiện ở nước ta hơn chục năm, tuy nhiên trên thực tế các đơn vị hữu quan vẫn chưa đưa ra một biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này. Trong khi đó, nhiều hộ dân đã tự mình "sống chung với lũ" và không ít trường hợp đã thành công trong việc tiêu diệt loài bọ này.
Một số độc giả từng sống trong vùng bị bọ đậu đen tấn công đã chia sẻ bí quyết tiêu diệt loài côn trùng này.
Chị Hồng Yến (Kon Tum) chia sẻ: “Nhà mình đã từng phải hứng chịu nổi khổ phải chung sống với bọ đậu đen suốt 3 năm. Cứ vào đầu mùa mưa, khi trời bắt đầu chuyển thì bọ đậu đen kéo vào từng bầy rất khó chịu. Nhưng hiện nay thì chúng không còn nữa, vì nhà mình đang tiến hành xông hạt điều (hạt hay vỏ đều được)”.
Chị hướng dẫn trước tiên bạn nhóm lửa vào một cái thau, dùng than thì càng tốt. Chờ than bén cháy hồng lên, cho vỏ điều vào. Sau đó đưa thau đó vào các kẻ hở, dùng quạt, quạt khói vào các kẻ hở, càng khói càng tốt, nên nhớ đóng kín các cửa. Khi vỏ điều cháy hết thì cho vỏ vào tiếp. Cứ xông nhiều lần như vậy bọ đậu đen sẽ không còn nữa.
Tương tự, anh Long (Bình Dương) cũng bật mí: “Nhà tôi trước đây cũng bị tình trạng này. Cách trị bọ đậu đen là hung khói, làm khoảng 3 lần sẽ có hiệu quả. Tập quán của chúng là đi theo con đầu đàn, do đó chỉ cần con đầu đàn đi đâu, các con còn lại sẽ đi theo”.
“Nhà mình bị bọ đậu đen hơn 10 năm trước, một lần thu được hơn chục bao, sau mình xử lý bằng dây tiêu phơi khô, mang đi đốt, trước khi đốt nhúng vào nước cho nó ra nhiều khói. Khoảng 1-2 h đêm khi bọ bay vào, mình đem đốt cho lên khói, cả nhà ra ngoài vườn ngủ, lâu lâu vào nhà đốt thêm cho ra khói, làm vài lần như vậy, đến nay nhà mình không còn bị tấn công nữa”, một hộ dân khác chia sẻ.
Đánh giá về những biện pháp này, tiến sĩ Chính cho biết ngoài một số biện pháp thủ công như quét, dọn, đốt, chôn bọ đậu đen hoặc dùng các hóa chất (không mang lại nhiều lợi ích), các cách trên cũng khá hiệu quả. Ông từng chứng kiến nhiều hộ dân đã đuổi thành công loại bọ này bằng cách làm này. Tuy nhiên, tiến sĩ Chính cho rằng đây không thể là biện pháp mang tính lâu dài.