Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ điểm sàn cao đẳng, trung cấp khó tuyển sinh hơn?

Ông Hoàng Hoài Nam - Hiệu trưởng Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM - đánh giá, cùng điều kiện thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, các trường cao đẳng sẽ "vét" hết người hệ trung cấp.

Ngày 18/2, Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Trong đó có điều chỉnh bỏ ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng vào (điểm sàn) của hệ cao đẳng, song thí sinh phải đáp ứng điều kiện tốt nghiệp THPT.

Ủng hộ bỏ điểm sàn cao đẳng

Lãnh đạo nhiều trường cao đẳng ủng hộ trước bước tiến bỏ điểm sàn cho hệ này, nhất là những trường khó tuyển sinh.

Trước đó, tuyển sinh năm 2015 diễn ra tình trạng đại học “vét” hết sinh viên của cao đẳng. Theo lãnh đạo nhiều trường cao đẳng, các trường đại học quá được ưu ái, 4 đợt xét tuyển đại học kéo dài khiến thí sinh chỉ chăm chăm vào đại học mà bỏ qua hệ cao đẳng. Thí sinh không đỗ đại học đợt này còn có các đợt tiếp theo…

Kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Lê Hiếu.

Trong khi đó, với những trường áp dụng phương án tuyển sinh riêng, mức chênh lệch về điểm số giữa học bạ để xét hồ sơ bậc đại học và cao đẳng chỉ chênh lệch 0,5 điểm dẫn đến các trường cao đẳng, trung cấp khó thu hút thí sinh. Hiện tại, học sinh vẫn luôn có tâm lý ưu tiên vào đại học.

Bỏ điểm sàn mang lại hy vọng tuyển sinh mới cho nhiều trường cao đẳng. Mặt khác, nhiều trường cao đẳng cũng nhận định, việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng đến tuyển sinh bởi trường thực hiện theo phương thức tuyển sinh riêng.

Ông Hoàng Hoài Nam - Hiệu trưởng Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM - nhận định: Bỏ điểm sàn trong tuyển sinh hệ cao đẳng là bước chuyển biến trong giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác đã tiến hành bỏ điểm sàn cả hệ cao đẳng và đại học, xét tuyển theo học bạ trong 3 năm THPT.

Đối với trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM nói riêng và nhiều trường cao đẳng khác, theo nhận định của ông Hoài Nam, bỏ điểm sàn tạo cơ chế thoáng hơn, sẽ được nhiều trường ủng hộ.

Bàn luận về những thay đổi khác trong dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016, Hiệu trưởng Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM đánh giá, Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi thực tế, nhất là quy định về điểm ưu tiên.

Ông Nguyễn Đức Long - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sơn La - nhận định, mặc dù bỏ điểm sàn đã tạo thuận lợi nhưng nhiều trường cao đẳng vẫn lo không tuyển sinh được. Hiện tại số đông học sinh đều đổ xô vào đại học công lập và dân lập.

Nên xóa bỏ điểm sàn?

Ông Hoàng Hoài Nam - Hiệu trưởng Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM - đánh giá, từng tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp, việc bỏ điểm sàn hệ cao đẳng sẽ khiến hệ này tuyển dễ dàng hơn, đồng nghĩa với việc tuyển sinh vào hệ trung cấp gặp khó khăn.

Bởi hệ cao đẳng và trung cấp cùng bằng điều kiện xét tốt nghiệp THPT, đương nhiên, hệ cao đẳng sẽ “vớt” được nhiều thí sinh hơn.

Trước đó, vào mùa tuyển sinh một số trường trung cấp đã phải rao bán hoặc kêu gọi đầu tư trước tình hình tuyển sinh khó khăn. Cuối năm 2014, ông Trần Nguyễn Hoàng Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề tư thục Hoàn Cầu đã nộp đơn lên Sở LĐ-TBXH TPHCM để xin thôi không làm hiệu trưởng, đồng thời xin giải thể trường vì hai năm nay, trường không tuyển được học sinh mới nào.

Mất cân bằng trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề và trung cấp cũng tạo nên sự mất cân đối về nguồn nhân lực. Ông Hoài Nam nhận định, hệ đại học là hệ đào tạo chuyên sâu và chất lượng cao, chưa thể bỏ điểm sàn trong thời điểm này, tuy nhiên với lộ trình phù hợp, mong Bộ GD&ĐT sẽ có những tiếp tục thay đổi.

PGS Văn Như Cương đề xuất, nên xóa bỏ điểm sàn cho cả hệ đại học, bởi học sinh sinh tốt nghiệp THPT có nghĩa là đã được chứng thực đủ điều kiện học tập các trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Điểm sàn vô tình “phủ nhận” kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời các trường nên có chỉ tiêu đánh giá riêng trong tuyển sinh.

PGS Văn Như Cương nhấn mạnh, vào đại học ngày càng dễ dàng hơn nên ai cũng muốn vào, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.

Nhiều trường đại học ngừng tuyển hệ cao đẳng

Theo thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành tháng 12/2015, cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Thông tư này không quy định dừng tuyển sinh và đào tạo cao đẳng nói chung, chỉ là dừng trong các trường đại học. Trong đó, năm 2016, Đại học Y dược TP HCM ngưng tuyển bậc cao đẳng. Còn với hoạt động độc lập của các trường cao đẳng cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngày 22/10/2015, ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam cho biết, nhà trường buộc phải cho nghỉ việc 118 cán bộ, giáo viên vì tuyển sinh không được.

Năm 2015, tại Đà Nẵng, trường cao đẳng Việt Tiến chấp nhận bán trụ sở lại cho trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Trường trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Thăng Long cũng rao bán gần một năm nay nhưng chưa có ai mua.

Đề xuất điểm ưu tiên vào đại học không quá 3

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - đề xuất, xét tuyển vào đại học với tổ hợp 3 môn thi có tổng 30 điểm, cộng ưu tiên không nên quá 3 điểm.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm