Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy năm 2018, số ca mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 165.000 ca. Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao nhưng tỷ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ 104,4/100.000 dân.
Đại tá, thầy thuốc ưu tú Phạm Hòa Lan. Ảnh: PV. |
Tại tòa đàm “Giải pháp cho bệnh nhân u bướu”, Đại tá, thầy thuốc ưu tú Phạm Hòa Lan - nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thuốc trang thiết bị y tế cục Quân y (Bộ Quốc phòng) - cho hay ung thư đang là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất.
Hiện nay, nhiều người phát hiện bệnh muộn làm giảm cơ hội được sống. Theo đại tá Lan, ở giai đoạn muộn, khi khối u đã phát triển thành ung thư, các phương pháp chữa trị chỉ có thể hạn chế sự ảnh hưởng của tế bào ung thư, cũng như kéo dài sự sống cho bệnh nhân trong thời gian nhất định.
“Theo thống kê, khoảng 90% bệnh nhân ung thư tử vong do hậu quả di căn không kiểm soát. Điều này cho thấy nếu không có các phương pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp, tế bào ung thư sẽ di căn với tốc độ chóng mặt. Bởi vậy, việc phát hiện sớm để có phương án điều trị ngay từ thời điểm mới xuất hiện khối u bướu là rất quan trọng”, chuyên gia cho hay.
Trước thực trạng nhiều người bệnh tìm tới các thực phẩm chức năng, chuyên gia này cho hay chúng có tác dụng hỗ trợ điều trị, không phải biện pháp điều trị ung thư. Việc người bệnh bỏ các phương pháp điều trị chính thống để dùng thực phẩm chức năng là sai lầm.
Thực tế, bệnh nhân ung thư có nguy cơ sụt cân cao, suy dinh dưỡng và không ăn uống đủ chất. Tình trạng này được xem như là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Do tình trạng dinh dưỡng ảnh hưởng tiên lượng bệnh, khả năng theo đuổi điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh, việc bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm chức năng có thể là một giải pháp.
Tuy nhiên, đại tá Lan khuyến cáo người bệnh phải sử dụng thận trọng và tránh các thực phẩm chức năng được quảng cáo với hiệu quả thần kỳ, đột phá hoặc phát minh mới, không rõ cơ chế cũng như khẳng định hiệu quả tốt hoàn toàn không có tác dụng phụ. Đồng thời, mọi người cần lựa chọn kỹ các sản phẩm chất lượng để tránh “tiền mất tật mang” mua phải hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc.