Trong vụ việc vừa xảy ra tại trường THPT Vĩnh Xương, An Giang, nhà trường phê bình nữ sinh N.T.N.Y. dưới cờ khi em vi phạm quy định. Điều đáng nói, theo Thông tư 32, có hiệu lực từ ngày 1/11, hình thức kỷ luật này không được cho phép. Vụ việc một lần nữa đặt ra vấn đề kỷ luật học sinh sao cho vừa mang tính giáo dục vừa đảm bảo văn minh, nhân văn.
Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), kỷ luật học sinh cần hướng tới giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với vấn đề liên quan.
Ông Bùi Văn Linh khẳng định Bộ GD&ĐT đã xóa bỏ hình thức kỷ luật xúc phạm nhân phẩm học sinh, trường làm sai phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Moet. |
Bên cạnh đó, các hình thức kỷ luật cần đảm bảo tính giáo dục, phù hợp đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất của từng học sinh, đồng thời giúp các em nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ.
“Giáo viên và nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh”, ông Linh nhấn mạnh.
Theo Thông tư 32/TT/2020/BGDĐT, các hình thức kỷ luật đối với học sinh gồm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, Thông tư 32 nói trên đã không còn các hình phạt khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường nữa. Nhà trường có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực khác. Song, ông Linh nói thêm những biện pháp đó phải đáp ứng yêu cầu phù hợp mục đích, nguyên tắc kỷ luật học sinh.
Thông tư mới đã xóa bỏ các kiểu xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, tăng cường đưa ra giải pháp giúp học sinh điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Tuy nhiên, theo ông Linh, để những quy định mới thực sự được áp dụng thực hiện đúng, tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, nhân văn cho học sinh, các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương (như sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT) phải có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Các hiệu trưởng phải có trách nhiệm cập nhật văn bản quy phạm, chỉ đạo mới của Bộ GD&ĐT, UBND các cấp để quán triệt, tuyên truyền trực tiếp đến 100% giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh để triển khai.
"Nhà trường nào thực hiện sai hoặc không kịp thời... sẽ chịu trách nhiệm với Bộ GD&ĐT, địa phương và trước xã hội", ông Bùi Văn Linh khẳng định.