Theo dự thảo thông tư hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT, công tác hướng nghiệp sẽ được thực hiện từ tiểu học đến đại học.
Ở bậc tiểu học, học sinh sẽ được học nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Nhà trường hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và lớp học.
Các em sẽ được rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như quản lý bản thân, xã hội, tìm hiểu gia đình, cộng đồng. Học sinh có năng khiếu sẽ được lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển.
Học sinh tiểu học sẽ được định hướng, giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Để thực hiện nội dung trên, các trường tiểu học có thể tích hợp, lồng ghép vào môn học và hoạt động giáo dục, tổ chức cho học sinh tìm hiểu qua tài liệu giáo dục hướng nghiệp, nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng ít nhất một lần trong năm học. Các trường tư vấn, đánh giá năng khiếu thông qua quá trình học tập, rèn luyện và bài kiểm tra, đánh giá năng lực.
Về công tác hỗ trợ khởi nghiệp, cấp tiểu học được yêu cầu tuyên truyền, giáo dục học sinh sớm nhận biết được vai trò, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện.
Học sinh được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về đổi mới sáng tạo gồm các nhóm: Công dân tích cực; Đổi mới sáng tạo; Công nghệ; Tư duy tài chính.
Nhà trường hướng dẫn học sinh sử dụng các kỹ năng đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực bản thân và vận dụng trong học tập, hoạt động trải nghiệm, hoạt động cộng đồng phù hợp nhận thức, hiểu biết của học sinh.
Dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 11/11.