Theo kế hoạch làm việc của Bộ GD&ĐT, chiều 16/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm.
Tham dự buổi họp sẽ có lãnh đạo các vụ, cục liên quan như Vụ Giáo dục Đại học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, hiệu trưởng các trường sư phạm.
Bộ GD&ĐT và các trường sẽ đưa ra tính toán sao cho phù hợp, trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên; sẽ có những trường trung tâm, trường phân hiệu và vệ tinh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội. Cụ thể, đó là việc giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được.
Theo bộ trưởng, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo, làm thế nào để sinh viên vào trường sư phạm cảm thấy tự hào.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thông tin trong năm học 2016-2017, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, định hướng đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2030 để trình Thủ tướng ban hành.
Dự thảo chủ yếu đánh giá các trường so với quy chuẩn đặt ra đã được đến đâu và tiếp tục củng cố như thế nào, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư cho trường sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đầu tư của Nhà nước, tạo ra các trường đầu ngành, chuẩn quốc tế để làm đầu tàu dẫn dắt toàn hệ thống giáo dục.
Khi thực hiện quy hoạch sẽ có sự phân khúc giữa các trường, có trường được đầu tư trọng tâm, có trường tự chủ đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trường yếu kém sẽ lựa chọn tích cực đầu tư hoặc xác nhập vào trường lớn để làm vệ tinh của trường đó, hoặc đóng cửa để hệ thống đạt chất lượng.
Các trường sư phạm sẽ có chuẩn đánh giá chất lượng riêng và dựa trên quy mô dân số để biết số lượng đào tạo. Ngoài ra, phần dự thảo cũng đề ra sinh viên giỏi sẽ có việc làm, trước mắt tập trung khối trường chất lượng và sinh viên chất lượng. Khảo sát trên toàn hệ thống tiến tới quy hoạch chất lượng hơn từ chỉ tiêu cho đến đầu ra.
Theo bà Phụng, trong 3 năm gần đây, các trường sư phạm đã giảm 10-25% chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn bộ hệ thống.
Các trường sư phạm, ngoài việc đào tạo giáo viên mới, còn nhiệm vụ đào tạo đạt chuẩn trong thời gian tới khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường đủ năng lực, còn các địa phương sẽ có trách nhiệm rà soát giáo viên để cử đi học.
“Chủ trương của Bộ GD&ĐT là rà soát giáo viên để đào tạo nếu chưa đạt chuẩn chứ không phải loại ra khỏi ngành”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin.
Sau 14 năm, điểm chuẩn ngành sư phạm 'hạ giá'
Năm 2003, điểm chuẩn khối A, nguyện vọng 1 của một số trường sư phạm cao hơn hoặc bằng một số trường top đầu khác.
Cụ thể, điểm chuẩn vào sư phạm Toán của ĐH Vinh là 23,5 điểm. ĐH Sư phạm Hà Nội lấy điểm chuẩn Sư phạm Toán: 24,5 điểm; Sư phạm Vật lý: 24 điểm.
Cũng trong năm này, điểm chuẩn vào Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội lấy 24 điểm, khối A của ĐH Ngoại thương lấy 23,5 điểm; ĐH Kinh tế Quốc dân lấy điểm chuẩn 20,5; ĐH Bách khoa Hà Nội: 22-23 điểm.
Đến năm 2017, điểm chuẩn nguyện vọng 1 của khối sư phạm “rớt giá” nhiều so với các ngành nghề khác. ĐH Sư phạm Vinh lấy điểm chuẩn 15,5 (bằng điểm sàn) cho tất cả ngành học, trừ ngành thi năng khiếu và tiếng Anh nhân hệ số 2. Điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội lên đến mức 29,25 điểm.