Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chương trình phổ thông mới không ưu việt hơn 40 năm trước

Theo TS Vũ Thu Hương, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được ban hành không ưu việt hơn so với năm 1979 và không có tầm nhìn trong 10 năm tiếp theo.

Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới nhất được ban hành vào ngày 28/7 đã có nhiều điểm mới, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh. Số lượng tiết học đã giảm bớt trong chương trình tiểu học. Các môn học đã có tên gọi hợp lý và rõ nghĩa hơn giúp cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên dễ hình dung được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, dự thảo chương trình lần này vẫn còn có một số điểm cần bàn đến.

Không ưu việt hơn so với chương trình năm 1979

Thứ nhất, về yêu cầu học bán trú (2 buổi/ngày) của cấp tiểu học với thời lượng 7 tiết/ngày, áp lực học tập của học sinh vẫn chưa giảm bớt. Thời gian học sinh dành cho giao tiếp và ứng xử xã hội vẫn hạn chế. Vì vậy, sức ép học tập đè nặng lên các em. Trẻ học bán trú ở trường có rất nhiều điều bất cập như ít được vận động, ít được giao tiếp xã hội…

Chương trình hiện hành không chứng minh được rằng ưu việt hơn chương trình năm 1979, khi học sinh chỉ đi học 1 buổi/ngày, tức là học với thời lượng chỉ bằng một nửa (22 tiết/ngày).

Thứ hai, số tiết bộ môn Tiếng Việt còn quá cao, 420 tiết. So với tổng thời lượng chương trình là 1.015, số tiết môn này chiếm gần một nửa và nhiều hơn 35 tiết so với chương trình năm 1979.

Điều này chưa thực sự cân đối so với các bộ môn khác và không hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay trẻ em vẫn đi học trước rất nhiều.

Thứ ba, tổng số tiết học ở chương trình mới là 1.015 (chương trình năm 1979 chỉ có 770 tiết). Với thời lượng gấp rưỡi, chương trình mới chưa thể hiện được sự vượt trội so với các chương trình đã thực hiện trước đây.

Ngoài ra, cân đối thời lượng các môn của chương trình năm 1979 cũng phù hợp hơn chương trình năm 2018 khi số tiết môn Tiếng Việt của chương trình mới chiếm gần bằng một nửa so với tổng thời lượng chương trình.

chuong trinh giao duc pho thong tong the anh 1
Biểu đồ so sánh chương trình lớp 1 sau 38 năm. Ảnh: TS Vũ Thu Hương. 

Thứ tư, chương trình năm 1979 được đánh giá thiên về kiến thức và thiếu thực hành. Tuy nhiên, trong chương trình học, học sinh có 35 tiết lao động sản xuất, 35 tiết hoạt động xã hội, 35 tiết kỹ thuật phổ thông, 35 tiết họp lớp. Đó là chưa kể các em có cả buổi chiều để sinh hoạt tại gia đình, phường xã.

Trong khi đó, chương trình mới chỉ có 105 tiết trải nghiệm mà học sinh phải học bán trú cả ngày. Như vậy, liệu chương trình mới có giải quyết được khâu yếu và thiếu về các hoạt động xã hội và thực tế của học sinh?

Thứ năm, dự thảo ghi rõ chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Tuy nhiên, thời lượng cho môn học Đạo đức cấp tiểu học, Giáo dục Công dân cấp THCS, Giáo dục Quốc phòng và An ninh cấp THPT chỉ có 35 tiết/năm nghĩa là 1 tiết/tuần. Với thời lượng như vậy, giáo viên không thể có đủ thời gian hoàn thành những mục tiêu đặt ra ở trên.

Đặc biệt, để hình thành thói quen, học sinh cần lặp lại hành động đó liên tục từ 30-40 ngày. Với thời lượng 1 tiết/tuần, chắc chắn các thói quen tốt sẽ không thể hình thành được, nhất là trong bối cảnh nhiều lớp học ở thành phố có số học sinh từ 50-60 cháu.

Thứ sáu, trẻ học bán trú, nghĩa là thời gian ngồi yên kéo dài từ 8-10 tiếng. Tuy nhiên, thời lượng môn Giáo dục Thể chất chỉ có 70 tiết/năm. Thời lượng này bằng với chương trình năm 1979, trong khi chương trình đó các cháu chỉ học một buổi.

chuong trinh giao duc pho thong tong the anh 2
TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Như vậy, theo chương trình mới, cả tuần, trẻ chỉ có 2 tiết được học thể chất. Điều này rất không phù hợp yêu cầu vận động của trẻ, tích tụ nhiều ức chế, khiến trẻ dễ lười vận động, béo phì.

Ngoài ra, dự thảo ghi rõ: Giáo dục thể chất được thực hiện ở nhiều môn học như Giáo dục Thể chất, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Khoa học Tự nhiên, Sinh học, trong đó môn học cốt lõi là Giáo dục Thể chất. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các môn Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Khoa học Tự nhiên, Sinh học… đã quá nặng nề. Liệu giáo viên có còn đủ thời lượng cho các hoạt động thể chất diễn ra trong các giờ học này?

Chưa có tầm nhìn trong 10 năm tiếp theo

Câu hỏi đặt ra là chương trình được áp dụng từ năm 2018 cho đến ít nhất 10 năm sau. Liệu rằng chương trình tổng thể đã có tầm nhìn phù hợp sự phát triển của kinh tế và xã hội những năm 2020-2028 và hơn?

Trong đó, vấn đề các môn tích hợp, việc phân công lao động hoàn toàn không đơn giản. Liệu phương án giáo viên nào dạy môn đó trong các môn tích hợp có khả thi? Việc này sẽ tiến hành trong thời gian bao lâu? Sau đó, giáo viên liên môn sẽ dạy môn này như thế nào? Nếu sau này, chương trình thấy các môn tích hợp không hợp lý mà cần tách ra, những giáo viên liên môn sẽ ra sao? Trường học sẽ phân công họ phụ trách môn gì?

Các vấn đề môi trường đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Sau 10, 20 năm, các vấn đề này sẽ trầm trọng hơn. Đến lúc đó, học sinh Việt Nam có đủ kiến thức và kỹ năng để cùng chung tay với thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu không khi phần nội dung này còn chưa được quan tâm trong chương trình phổ thông tổng thể?

Trong tương lai, xã hội Việt Nam sẽ phát triển ra sao? Đã có kịch bản gì cho nhân sự Việt Nam trong tương lai được xem xét trong chương trình phổ thông tổng thế?

Những vấn đề hiện nay gây cản trở giáo dục như bệnh hình thức, bệnh thành tích sẽ được giải quyết ra sao trong thời gian tới? Chương trình tổng thể cũng chưa có một hướng đi rõ nét cho vấn đề này.

Chương trình phổ thông tổng thể có nhiều cải tiến để giải quyết các vấn đề hiện nay. Tuy nhiên, chương trình chưa thực sự khả thi khi vẫn còn tồn tại rất nhiều điểm chưa giải quyết thấu đáo. Liệu rằng khi thực hiện, chương trình có nảy sinh thêm các bất cập khác hay không? Lúc đó, chúng ta sẽ giải quyết những bất cập đó như thế nào?

Giáo dục Việt Nam đi sau thế giới vài chục năm. Với những khó khăn hiện tại và những thách thức trong tương lai, chương trình phổ thông tổng thể chắc chắn sẽ cần phải nghiên cứu cẩn trọng hơn.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Sự thay đổi luẩn quẩn

Theo thầy Đào Tuấn Đạt, các môn học ở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tưởng toàn diện nhưng rất phiến diện, nên việc chọn nhiều hay ít môn học cũng tạo một vòng luẩn quẩn.



TS Vũ Thu Hương

Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội

Bạn có thể quan tâm