Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) có tước hiệu là Dương Quận Công, được người Đàng Trong gọi là chúa Hiền. Ông là con trai thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Lan và là vị chúa thứ tư của dòng họ Nguyễn.
Sách Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn chép rằng ngay từ khi mới lớn, Phúc Tần tỏ rõ được tài năng và chí khí. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan biết con giỏi nên sớm lập thế tử, phong cho ông tước Dũng Lễ Hầu.
Ngay từ khi chưa nắm quyền, Nguyễn Phúc Tần đã lập nhiều công trạng. Trong đó, chiến công hiển hách nhất ông giành được là đánh bại hạm đội trên biển của công ty Đông Ấn, Hà Lan năm 1644 (sách Đại Nam thực lục ghi năm Giáp Thân 1644, còn một số tài liệu Đàng Ngoài ghi năm Quý Mùi 1643).
Năm 1644, theo yêu cầu của chúa Trịnh, chiến thuyền Hà Lan xâm phạm cảng cửa Eo (Thuận An) của xứ Đàng Trong. Đoàn thuyền của họ được chia làm hai cánh. Một cánh gồm ba chiến thuyền tiến thẳng ra Đàng Ngoài để cùng đi với chúa Trịnh. Cánh thứ hai do Waterhod và Vos do Baek chỉ huy. Đầu tháng 6/1644, cả hai đoàn thuyền tiến đến bờ biển nước ta.
Để tiêu diệt chính quyền Đàng Trong, Trịnh Tráng đem đại đội binh mã lên tới 10 vạn người rước vua Lê đi cùng hạm đội của Hà Lan vào nam. Cả hai đoàn quân giao ước sẽ hội quân ở sông Gianh trước khi cùng tiến đánh chúa Nguyễn.
Hạm đội công ty Đông Ấn Hà Lan thế kỷ XVII. Ảnh tư liệu: Wiki. |
Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, khi đoàn thuyền của Hà Lan trên đường đến điểm hẹn thì tại Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Lan được tin cấp báo.
Nguyễn Phúc Tần đã không chờ đến khi có ý kiến của chúa Nguyễn Phúc Lan mới hành động, lập tức mật báo với chưởng cơ Tôn Thất Trung, đưa thủy quân ra đánh. Tuy nhiên, Tôn Thất Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại không quyết.
Đoàn thủy binh do thế tử Nguyễn Phúc Tần cầm đầu, tiến thẳng ra Biển Đông, vây đánh thuyền Hà Lan. Quân Hà Lan hoảng sợ, chống cự không nổi, phải bỏ chạy ra khơi.
Trong tình thế hoảng loạn, quân địch tự phóng lửa đốt cháy tàu Wijdenes, tướng Baek chết tại trận, binh lính trên tàu sống sót rơi xuống biển, bị quân Nguyễn tiêu diệt. Từ xa, các chiến thuyền khác của Hà Lan thấy chiến thuyền của Phúc Tần nổ súng vang trời, không dám tiến đến sông Gianh nữa, chạy trốn ở đảo Tây Sa.
Cũng theo Đại Nam thực lục, khi hay tin Nguyễn Phúc Tần ra biển một mình, chúa thượng rất lo lắng, liền tự mình chỉ huy binh thuyền đi tiếp ứng. Vừa tới cửa biển, từ xa trông thấy khói đen bốc cao mịt mù, chúa ra lệnh cho thủy binh tiến lên. Đến khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình chờ đợi.
Khi Nguyễn Phúc Tần đến bái yết, chúa trách “làm thế tử sao không thận trọng giữ mình?”. Chúa cũng trách Tôn Thất Trung về tội không bẩm mệnh.
Tôn Thất Trung cúi đầu tạ tội, sau đó hết lời khen ngợi thế tử. Chúa thượng cười và nói: “Trước kia, tiên quân từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa…”. Nói xong, chúa trọng thưởng thế tử và đoàn thủy binh thắng trận trở về.
Đó là lần đầu tiên người Việt đánh bại hạm đội hải quân của phương Tây. Thất bại này cũng khiến người Hà Lan phải từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam.
Sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan đột ngột qua đời, Nguyễn Phúc Tần kế vị, lấy hiệu là Hiền Vương (chúa Hiền). Ông nắm quyền cai trị Đàng Trong 40 năm (1648-1687).
Ông là người có chí lớn, quyết đoán. Trong thời gian nắm quyền, ông đã ra “khẩu dụ” chấm dứt chiến tranh với Đàng Ngoài, xóa bỏ mối thù giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn.
Sau khi mất (1687), ông được an táng tại lăng Trường Hưng ở làng Hải Cát, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế). Về sau, ông được suy tôn là Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế.