Ngày 18/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014.
Đáng chú ý, trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Trước đó, chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học năm 2014, Bộ GD&ĐT quy định các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức.
Lý giải về sự thay đổi của dự thảo mới, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 về tuyển sinh đầu cấp THCS Và THPT được triển khai trong những năm qua đã tạo điều kiện cho các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục tự chủ trong tuyển sinh. Về phương thức tuyển sinh vào lớp 9, các cơ sở được thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi và xét tuyển vừa, mang lại lợi ích lớn khi tự chủ, tiết kiệm.
TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Quyên Quyên. |
Việc tuyển sinh đầu cấp vào lớp 6 được dư luận quan tâm. Cụ thể, một số trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, gặp khó khăn trong việc chọn lựa thí sinh. Việc thi tuyển vào lớp 6 sẽ dẫn đến việc ôn luyện, thu phí luyện thi và nhiều vấn đề liên quan.
Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT có công văn số 1258 ngày 17/3/2015 chỉ đạo và khẳng định THCS là cấp học phổ cập, vì vậy không tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, cơ sở có số lượng đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu sẽ được xây dựng phương án trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từ hướng dẫn đó, một số trường như THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) xây dựng phương án xét tuyển lớp 6 bằng cách dựa vào học bạ 5 năm tiểu học, kèm tiêu chí phụ là kết quả của các cuộc thi. Ngoài ra, trường này cho học sinh làm bài đánh giá năng lực bằng cách viết bài luận tổng hợp bằng tiếng Anh. Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng bài luận này không phụ thuộc kiến thức học sinh có đi học thêm hay không.
Một vấn đề khác cũng khiến dư luận quan tâm là cộng điểm ưu tiên vào đầu cấp tăng khi có quá nhiều cuộc thi được sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT tổ chức.
“Lúc triển khai các cuộc thi, chúng ta nghĩ đó là lành mạnh nhưng khi liên quan tuyển sinh đầu cấp, có nơi phát sinh tiêu cực. Điều này khiến chúng ta phải nghĩ và rà soát hiệu quả của các cuộc thi”, TS Chuẩn nói.
Cũng theo ông Chuẩn, Bộ trưởng GD&ĐT đã có chỉ đạo rà soát các cuộc thi. Công văn do Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ký nêu từ năm học 2017-2018, các sở GD&ĐT sẽ không được lấy kết quả cuộc thi do sở tổ chức hoặc kết quả từ các cuộc thi quốc tế do sở cử tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Từ năm học 2018-2019, các sở GD&ĐT không được sử dụng kết quả này để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Bộ GD&ĐT cũng sẽ không cấp xác nhận thành tích của giáo viên, học sinh được sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.
Đặc biệt, ngành giáo dục Đà Nẵng định hướng giảm ít nhất 50% các cuộc thi mang tính phong trào, quá tải trong năm học 2017-2018.
Từ hạn chế của các cuộc thi này, dự thảo sửa đổi công bố ngày 18/12 quy định chặt hơn, chỉ tuyển thẳng những học sinh đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay.
Theo TS Vũ Đình Chuẩn, việc tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT theo nguyên tắc phân cấp cho các tỉnh, nhưng nếu không có quy định chung sẽ khó thực hiện.