Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấp tiểu học sẽ không còn môn Lịch sử riêng biệt

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, cấp tiểu học sẽ không còn riêng môn Lịch sử mà được tích hợp sâu với Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý.

Tại hội thảo quốc tế Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK do Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm tổ chức ngày 16/12, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - thành viên nhóm biên soạn chương trình SGK mới - cho biết, ở cấp tiểu học, môn Lịch sử sẽ được tích hợp. 

Cụ thể, cấp học này sẽ không còn học riêng môn Lịch sử mà tích hợp sâu hơn. Môn Lịch sử sẽ tích hợp với Địa lý thành môn Lịch sử Địa lý, vẫn giữ sắc thái riêng của cả hai môn.

Bộ môn này ở cấp tiểu học sẽ bắt đầu từ lớp 4 và kết thúc ở lớp 5 với việc tìm hiểu kiến thức các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và thế giới.

tich hop mon lich su anh 1
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - thành viên biên soạn chương trình mới. Ảnh: X.T.

Cách viết dự kiến sẽ có sự kết hợp giữa kể chuyện và các chủ đề Lịch sử và Địa lý. Nội dung chủ yếu liên quan đất nước và con người Việt Nam, trong đó có kiến thức chung cả hai môn.

"Ví dụ, ở chủ đề Giới thiệu về nhà nước Văn Lang - Âu Lạc sẽ nói đến sự thành lập, quá trình xây dựng và bảo vệ nhà nước qua một số câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ, Mỵ Châu - Trọng Thủy...", PGS Vỳ nói.

Ở cấp THCS, Lịch sử là phân môn của môn Lịch sử và Địa lý. Ở chương trình này, các em phải học kiến thức về truyền thống và chuyên sâu.

“Hiện tại, nhóm nghĩ ra 4 chủ đề như: Biển đảo, đô thị, Việt Nam trên con đường đổi mới, văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long... Dự kiến, chương trình Lịch sử và Địa lý ở THCS sẽ dành cho các chủ đề chung từ 10%-15% thời lượng chương trình”, PGS Vỳ cho biết.

Cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nên được dạy theo chủ đề/chuyên đề có tính nâng cao. Việc tích hợp nội môn theo mô hình thế giới - khu vực - Việt Nam - địa phương ở cả ba cấp là điểm mới nhất.

Theo PGS Vỳ, định hướng trong chương trình SGK mới sẽ tăng cường tích hợp đa môn khiến cho môn học hấp dẫn, học sinh hiểu biết rộng.

"Ví dụ sự kết hợp Lịch sử, Địa lý, Văn học với Khoa học kỹ thuật... Trong khi học về thời nguyên thủy, học sinh sẽ kết hợp cùng môn Sinh học như sự phát triển của bộ não, sự tiến hóa từ 4 chân đến hai chân... Đồng thời, các em có thể sử dụng kiến thức Toán học như số La mã, số Ả rập; hoặc môn Vật lý là các phát minh về máy hơi nước, động cơ...", người biên soạn SGK mới thông tin. 

Vua nào từng phóng thích cung nữ để cầu mưa?

Phóng thích cung nữ để cầu mưa là câu chuyện mà một vị vua từng làm, được ghi lại trong sách.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm