Bức ảnh học sinh duy nhất trong lớp không được nhận giấy khen lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục trăn trở.
Chia sẻ về bức ảnh không rõ nguồn gốc này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - khẳng định: “Bức ảnh nếu có thật, giáo viên đang làm sai hướng dẫn và sai quan điểm của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh. Đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác".
Ông Tài cho hay giáo viên không phê bình, nhắc nhở mà cần gặp riêng, vì độ tuổi này nhạy cảm. Điều đó thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên.
Ông Thái Văn Tài cho rằng nếu bức ảnh này có thật, giáo viên đã làm sai quy định. |
Vẫn còn tình trạng khen không đúng thực chất
Những năm gần đây, việc đổi mới đánh giá học sinh ở các bậc học, cụ thể là tiểu học, đã được ngành giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua. Trong đó, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Sau đó, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, quy định rõ đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện, giúp các em phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
Ông Thái Văn Tài cho hay không chỉ có giấy khen, mà còn nhiều hình thức khác như lời động viên, khích lệ, bằng biểu dương trên lớp... Vì vậy, việc lạm dụng giấy khen hay khen không đúng thực tế, đã được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo để có điều chỉnh.
“Thời gian gần đây, những vấn đề này được khắc phục khá tốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nhìn nhận.
Trong bối cảnh ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông Tài, cách tiếp cận đánh giá học sinh như thời gian qua sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện, Bộ GD&ĐT dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học. Hình thức khen thưởng trong dự thảo thông tư này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.
“Như vậy, việc khen không đúng thực chất còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục, cần được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới”, ông Tài nhấn mạnh.
Giấy khen không còn ý nghĩa
Trước bức ảnh nam sinh lẻ loi khi các bạn đều có giấy khen được chia sẻ trên mạng, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, đã viết thư ngỏ gửi tới em.
Ông cho biết mình bị sốc vì người chụp ảnh, nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi theo đúng nghĩa thực chất, nếu bức ảnh đó là thật. TS Hợp cho rằng tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Ông mong nam sinh đừng so sánh mình với những bạn được giấy khen, mà nên cố gắng, chăm chỉ trong năm học tới.
"Em cũng nên nói với cha mẹ rằng cha mẹ đừng buồn phiền, lo lắng khi em không có giấy khen. Hãy hứa với cha mẹ em sẽ cố gắng học tập tốt, nhưng không phải vì tờ giấy khen", ông nhắn nhủ.
Cũng liên quan câu chuyện này, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội - nói với Zing rằng trẻ không cần giấy khen, mà là chứng nhận đã hoàn thành năm học.
Chứng nhận đó được thể hiện qua album ảnh hay bức thư tay giáo viên viết riêng, chúc mừng học sinh đã hoàn thành năm học, ấn tượng của cô về con hoặc lời nhắc nhở cố gắng trong năm tới.
Theo nữ tiến sĩ, giấy khen cho học sinh tiểu học ngày nay đã mất đi ý nghĩa. Vì thế, nhận giấy khen, nhiều trẻ không vui. Nhưng không nhận được giấy khen, trẻ khổ sở, tổn thương vì trở thành cá biệt trong lớp.
"Ngày xưa, trẻ cá biệt chỉ có cô giáo biết, bạn học có thể cũng 'hơi hơi biết', thì ngày nay, cả thế giới tỏ tường thông qua những bức ảnh chụp lớp nhận giấy khen đăng trên mạng xã hội. Trẻ bị cho là cá biệt, khi không được cầm mảnh giấy to như tờ A4 mà các bạn đều có. Bị phơi bày mọi thứ khiến các em mất hết sự thoải mái, vui vẻ và biến ngày tổng kết thành ngày đen tối", bà Hương nói.
Từ phân tích đó, chuyên gia giáo dục này cho rằng giấy khen rõ ràng đã là vật lỗi thời của giáo dục tiểu học, sau khi Thông tư 22 được áp dụng. Bộ GD&ĐT hãy dẹp món quà không còn được mong đợi này sớm để không còn học sinh nào phải tổn thương như thế.