- Thưa ông, vai trò của lớp trưởng và chủ tịch hội đồng tự quản có gì khác nhau?
- Lớp trưởng nhiều khi đứng ra thay giáo viên theo dõi, đôn đốc các bạn học hành, theo dõi đi học muộn hay không học bài. Nhiều khi, lớp trưởng làm thay công việc của giáo viên. Nhưng với vai trò chủ tịch hội đồng tự quản, học sinh có thể tự bảo ban bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.
Trước đây, giáo viên phân công lớp trưởng đôn đốc các bạn. Nay, với hội đồng tự quản, chính các em đứng ra tổ chức, bàn bạc với nhau, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo giáo viên, đoàn đội, phụ huynh học sinh.
Đồ họa: Tuổi Trẻ. |
Một số nơi, các em còn báo cáo lãnh đạo địa phương và được địa phương, nhà trường, tổ chức đoàn thể tiếp thu tốt, hướng dẫn các em thực hiện.
Điều này nhằm mục đích chính không phải giảm công việc cho giáo viên, nhà trường, mà tăng tự chủ, tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau, tăng kỹ năng sống cho học sinh.
- Vậy có thể hiểu, với mô hình chủ tịch hội đồng tự quản, lớp học giống như tổ chức xã hội thu nhỏ?
- Hình dung lớp học cũng như một tổ chức có các nhóm học khác nhau, ban khác nhau như văn nghệ, thể thao, đối ngoại, học tập trong nhà trường, lớp học.
Thực tế, nhà trường là một phần của xã hội hiện tại. Chúng ta quan niệm học sinh được học trong nhà trường chính là học sinh đã sống, học tập và làm việc trong xã hội, là một phần của xã hội.
Có thể hình dung, sống trong nhà trường là sống với xã hội, không phải như trước đây nói chuẩn bị cho học sinh bước vào đời sống xã hội.
- Mô hình này đã được thực hiện tại các trường học mới (VNEN), ông đánh giá tác động của nó như thế nào đối với việc dạy và học trong các trường tiểu học?
- Muốn thay đổi nhà trường không chỉ thay đổi việc dạy và học, mà thay đổi đồng bộ, tất cả hoạt động sư phạm nhà trường, quan hệ giáo viên..., học hỏi lẫn nhau.
Quan hệ học sinh - học sinh cộng tác, phối hợp - trên cơ sở hoạt động cá nhân, các em hỗ trợ cho nhau. Em khá hơn giúp đỡ em yếu hơn, em yếu hơn tìm chỗ dựa, cùng nhau tiến bộ. Quan hệ giáo viên và học sinh cũng bình đẳng trên cơ sở giáo viên là người chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn.
Trong mô hình trưởng tiểu học mới, giáo viên dạy không phải đứng lên giảng mà tổ chức cho các em tự học, biết em nào tốt động viên, khích lệ thành công nhỏ dẫn đến thành công lớn.
Không áp đặt từ trong giờ dạy, giáo viên hướng dẫn các em trên lớp, về gia đình như thế nào. Như vậy, với mô hình chủ tịch hội đồng tự quản, học sinh được trao quyền tự chủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.