Một trong những điểm mới của dự thảo điều lệ trường tiểu học là tên gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh, thay cho lớp trưởng, lớp phó hiện nay.
Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Đừng dị ứng từ ngữ mà phê phán
Nhiều bạn đọc "dị ứng" với tên gọi mới mà dự thảo đề nghị. “Cá nhân tôi còn chưa hiểu nổi cụm từ “chủ tịch hội đồng tự quản”, không biết làm sao các em hiểu được và làm cho tròn cái trọng trách của chức danh đao to búa lớn này” - chị Thanh Nga, một phụ huynh có con đang học lớp 3 ở quận Bình Thạnh, bày tỏ.
Anh Đỗ Đình Khương đặt câu hỏi: Nếu lớp trưởng được gọi là chủ tịch hội đồng tự quản thì giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nên được đặt những chức danh hay gọi tên khác thế nào cho phù hợp và xứng tầm với các “chủ tịch” nhỉ?
Ở chiều ngược lại, anh Khang Lê (quận 2, TP HCM) nêu ý kiến: Đây là mô hình không phải chỉ là sự thay đổi về cách thức tổ chức lớp học thông qua việc quản lý bằng “hội đồng tự quản”, mà cái chính là thay đổi phương pháp dạy học từ “giáo viên dạy - cả lớp tiếp thu” thành phương pháp “giáo viên hướng dẫn cho các nhóm” trong lớp.
Theo anh Khang Lê, học tập theo phương pháp này, học sinh là người tìm ra kiến thức thông qua các bài tập của nhóm mình. Đồng thời các kỹ năng mềm cũng được hình thành thông qua các hoạt động này.
"Nếu chỉ vì dị ứng với khái niệm “chủ tịch” hoặc lo ngại sự háo danh của các con trong việc “cạnh tranh" mà phê phán toàn bộ mô hình này thì quả thật có sự không công bằng đối với những người xây dựng chương trình" - anh Khang Lê bày tỏ.
Vấn đề là gọi tên
Chị Thanh Nga nêu: "Lớp trưởng hay tổ trưởng, theo tôi, đã là một cụm từ chính xác, giản dị, dễ hiểu, chỉ đúng chức năng và vai trò của học sinh được phân nhiệm trong mỗi lớp học. Cớ chi lại bày vẽ đổi tên nghe hoành tráng mà xa lạ quá?".
Về tên gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, cho rằng với tiêu chí tốt đẹp và hữu ích của việc thay đổi, đừng để những cách định danh cho các em như dự thảo đề ra làm mọi người có cái nhìn thiếu tích cực.
"Cách gọi tên một vài chức danh như lớp trưởng, lớp phó trở thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản lại trở nên trịnh trọng quá và chưa phù hợp với lứa tuổi của các em. Điều đó có thể khiến cho các em tự nghĩ rằng đó là một chức danh gì ghê gớm và tạo ra sự thích chức danh, vị trí thì rất nguy hiểm" - GS Kỳ Anh nói.
Một tiết dạy của giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP HCM. Tại TP HCM, rất nhiều giáo viên tiểu học hiện đã đạt trình độ đại học. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo TS Ngô Thị Tuyên, Phó giám đốc thứ nhất Trung tâm Công nghệ giáo dục (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam), việc đặt những chức danh “đao to búa lớn” là không cần thiết vì đó cũng chỉ là lớp vỏ. Theo TS Ngô Thị Tuyên, việc đổi mới nên đi vào thực chất chứ không phải đổi mới bằng những cái tên khác nhau.
“Đừng để các em nghĩ chức danh đó sẽ đi kèm đặc quyền, đặc lợi hay áp đặt người khác”, TS Tuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc đặt những chức danh nặng nề như vậy trong một môi trường tiểu học khiến cho lớp học giống như bộ máy chính quyền hay công ty, điều đó là chưa cần thiết với các em học sinh, GS Kỳ Anh nhấn mạnh.
“Thay vào đó, những chức danh nên được đặt sao cho nhẹ nhàng, gần gũi và thân thiện với môi trường giáo dục”, GS Nguyễn Võ Kỳ Anh nói.
Xu thế giáo dục tiến bộ
Chia sẻ thực tế từ việc đổi mới mô hình giảng dạy và việc lập ra các hội đồng tự quản trong mỗi lớp, thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa, Phú Yên), cho biết, các em học sinh chủ động và sáng tạo hơn trong học tập. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm cũng biết quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Hoạt động bầu hội đồng tự quản của mỗi lớp được thực hiện theo từng học kỳ, các em học sinh cũng thay phiên nhau đảm nhận các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản. Theo thầy Dương, các học sinh thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình, không có sự tị nạnh hay tự đắc xảy ra từ khi các vị trí được định danh mới.
“Dù sao cũng chỉ là tên gọi mà thôi, quan trọng là các em học sinh ý thức và làm tốt vai trò trách nhiệm của mình đối với trọng trách mình đang mang là được”, thầy Dương chia sẻ.
GS Kỳ Anh cho biết xu thế để học sinh tự làm chủ lớp học của mình, giáo viên đóng vai trò định hướng và hướng dẫn theo mô hình VNEN là một xu thế giáo dục mới mẻ và tiến bộ cần được áp dụng.
Với đề án mới này, các em học sinh sẽ chủ động hơn trong việc phát biểu, đưa ra các ý kiến, thể hiện cá tính và phong cách của mình rõ nét hơn.
TS Ngô Thị Tuyên cũng cho rằng việc lập ra các hội đồng tự quản trong từng lớp học nhằm mục đích nâng cao khả năng tự chủ của học sinh, giúp các em phát huy vai trò của mình trong học tập, giao tiếp.
Có nhiều điểm mới trong dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Anh Khang Lê cho rằng, mô hình này có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự đồng bộ của nhiều yếu tố như sự chấp nhận thay đổi phương pháp làm việc của các giáo viên, sự giảm tải nội dung từ sách giáo khoa, sự đồng thuận của phụ huynh. Đặc biệt, sĩ số lớp phải từ 30-35 học sinh, đây là điều cực khó với các trường ở TP.HCM hay Hà Nội.
"Tất nhiên, giáo viên dạy học theo phương pháp này cũng sẽ phải làm việc nhiều hơn, có kỹ năng tốt hơn trong việc khơi gợi khả năng tìm tòi của học sinh. VNEN là mô hình được học tập từ thành công mô hình Escuela Nueva của Colombia, một trong những mô hình giáo dục tiểu học thành công nhất trên thế giới, được UNESCO khuyến khích là mô hình nên nhân rộng và áp dụng ở các nước", anh Khang Lê nói.
Làm cán bộ lớp theo lượt
Nhật là quốc gia có tiếng về việc phát triển hệ thống tự quản cho học sinh tiểu học. Ở các lớp học tại Nhật thường có khá đông học sinh, từ 30-40 em.
Trong mỗi lớp, giáo viên sẽ chia các học sinh thành những nhóm nhỏ 4-6 em. Giáo viên sẽ thường xuyên yêu cầu các nhóm học sinh phải hoàn thành những nhiệm vụ học tập cụ thể và trình bày kết quả trước lớp.
Mục tiêu là phát huy tính kỷ luật, tinh thần học tập và sự hòa đồng ở các em. Các “cán bộ lớp” là một phần quan trọng trong hệ thống tự quản tại lớp học ở Nhật. Cứ một hoặc hai ngày một lần, giáo viên chọn hai học sinh làm cán bộ lớp. Các em có nhiệm vụ duy trì kỷ luật trong lớp và hỗ trợ giáo viên trong các công việc hành chính.
Tất cả mọi học sinh đều trở thành “cán bộ lớp” theo lượt. Thông qua cơ chế này, giáo viên phân chia trách nhiệm tự quản và phát huy tính kỷ luật ở các học sinh một cách đồng đều.
Mọi học sinh đều có cơ hội học hỏi kỹ năng lãnh đạo và phát triển tư duy về sự hợp tác và nỗ lực chung nhằm đảm bảo mọi hoạt động của lớp học diễn ra êm thấm.
Mọi trường học ở Nhật đều có ban quản lý học sinh với các đại diện là học sinh các lớp. Trong các buổi họp, giáo viên là người giám sát nhưng chính các học sinh thực hiện việc tổ chức, lên kế hoạch các hoạt động.
Sự tham gia này giúp các học sinh nhỏ tuổi phát huy trách nhiệm và khả năng ra quyết định. Do đó các lớp học ở Nhật thường trật tự và vận hành hiệu quả hơn so với lớp học các nước phương Tây.
Các giáo viên Nhật hiếm khi kỷ luật từng học sinh cụ thể khi vi phạm. Thay vào đó, họ thường hướng dẫn cách hành xử để mọi thành viên trong lớp học nhận trách nhiệm về cách hành xử của bạn bè.
Giới chuyên gia đánh giá phương pháp của giáo viên Nhật giúp học sinh có đủ điều kiện để học tập tốt và phát huy kỷ luật cá nhân ngay từ khi còn nhỏ.