Trao đổi với báo chí chiều 12/9, ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - cho biết về quy trình thẩm định, Bộ trưởng GD&ĐT thành lập Hội đồng thẩm định theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT. Số lượng các thành viên lẻ, trong đó hội đồng ít gồm 7 người, nhiều là 15 người.
Có thể chỉnh sửa để thẩm định lại
Về cơ cấu, hội đồng thẩm định bao gồm giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường đại học và giáo viên. Thành viên chuyên gia đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam, gồm cả thành thị và vùng sâu, xa để đánh giá SGK có tính chất đa dạng vùng miền.
Theo quy trình, sau khi tiếp nhận bản thảo SGK do tác giả và nhà xuất bản gửi, thành viên hội đồng thẩm định sẽ đọc trong 15 ngày.
GS Hồ Ngọc Đại tại buổi trò chuyện "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" diễn ra sáng 12/9 tại Hà Nội. Ảnh: Q.Q. |
Trong buổi làm việc tập trung đầu tiên, các thành viên thống nhất lịch làm việc, nghe các tác giả SGK trình bày về nội dung và quan điểm xây dựng sách. Sau đó, hội đồng sẽ có thời gian làm việc độc lập, phân tích và kết luận về bản thảo SGK. Tại buổi công bố kết quả này, hội đồng và tác giả SGK tiếp tục đối thoại.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định hội đồng thẩm định đánh giá công tâm với những ý tưởng mới, đa dạng. Có như vậy, SGK được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi.
Cũng theo ông Tài, hiện tại, hội đồng tiến hành thẩm định vòng 2 đối với sách giáo khoa lớp 1 và dự kiến công bố kết quả vào tháng 10. 5 bộ sách giáo khoa đã tham gia thẩm định ở vòng 1. Sách Tiếng Việt và Toán của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá chưa đạt. Bộ GD&ĐT chưa nhận được được bất cứ phản hồi nào với kết quả thẩm định này.
“Cuốn sách không đạt như của GS Hồ Ngọc Đại chẳng hạn, có thể chỉnh sửa sao cho đáp ứng đúng tiêu chí để tiếp tục trình thẩm định, bởi mỗi bộ SGK là công trình nghiên cứu tâm huyết của các nhà nghiên cứu”, ông Thái Văn Tài nói.
Hội đồng sẽ đánh giá các sách giáo khoa này theo các tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là “đạt”, “đạt cần sửa chữa”, hay “không đạt”. Yêu cầu hàng đầu là hội đồng thẩm định làm việc với tinh thần khoa học, công tâm, đồng thời cũng cởi mở với cái mới và sự đa dạng của các ý tưởng.
Có như vậy, các sách giáo khoa được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi.
Học sinh phải học chương trình giáo dục phổ thông mới
GS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt - thông tin sau vòng 1, ngoài sách Tiếng Việt và Toán của GS Hồ Ngọc Đại, còn có những những cuốn ở môn khác bị hội đồng thẩm định đánh giá chưa đạt.
PGS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán - khẳng định sách không đạt không có nghĩa bỏ hẳn. Trong lúc làm việc với GS Hồ Ngọc Đại, hội đồng đã phân tích các điểm chưa được, trình bày nguyên tắc về cách làm, thảo luận khách quan, minh bạch, công tâm. GS Đại tiếp nhận rất thoải mái.
PGS Trần Kiều khuyên GS Hồ Ngọc Đại viết theo chương trình của Bộ GD&ĐT, có quyền giữ lại những điểm hay. Cuốn sách hiện tại hơi thiên về công nghệ và tâm lý.
“Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ chờ GS Hồ Ngọc Đại để thẩm định lại từ đầu, vì bộ không thể thay chương trình để theo sách của GS Đại. Chương trình chỉ có một, đó là văn bản pháp quy và duy nhất đã được chuẩn bị suốt 6 năm”, PGS Trần Kiều nói.
Nói về sự “sống còn” của cuốn sách Công nghệ Giáo dục đã tồn tại 40 năm qua, GS.TS Mai Ngọc Chừ - thuộc hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 - nêu quan điểm nếu cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại không được duyệt thì NXB Giáo dục cũng sẽ không in.
Còn TS Thái Văn Tài thông tin năm học tới sẽ có 1,9 triệu học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với đổi mới về phương pháp và kỹ năng.
Bộ SGK lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán bị chấm “không đạt” trong đợt thẩm định đầu tiên. GS Hồ Ngọc Đại nói trước đó, cuốn sách đã có yêu cầu điều chỉnh, bản in cuối cùng là giải pháp.
“Tôi không sửa bộ sách, không điều chỉnh gì cả, vì đó là công trình của cả đời. Việc điều chỉnh phải có kỹ thuật”, GS Đại nói.
Năm 1981 cải cách giáo dục lần thứ ba, cả nước thống nhất học sách cải cách, duy chỉ có trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục học sách của GS Hồ Ngọc Đại.
Năm 1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Giáo dục khi đó quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Năm 2006, ngành giáo dục phát hiện nạn "ngồi nhầm lớp" diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS Hồ Ngọc Đại đưa sách Công nghệ Giáo dục trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số".
Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh.
Năm 2013, Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục được xem là phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.
Năm 2016, học sinh ở 48 tỉnh học sách của GS Hồ Ngọc Đại.