Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi không bất ngờ vì sách Công nghệ Giáo dục bị loại'

Trước thông tin bộ sách lớp 1 Công nghệ Giáo dục bị loại từ vòng thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại nói ông không bất ngờ. Ông sẽ không sửa bộ sách vì đó là công trình của cả đời mình.

GS Hồ Ngọc Đại: Học sinh của tôi có thể nói 2 + 3 = 10 GS Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm khi trẻ làm được và vui vẻ thì không thể nói chương trình quá sức.

Sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại có buổi trò chuyện với chủ đề "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục". Sáng cùng ngày, thông tin về bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của ông vừa bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, sách giáo khoa (SGK) được Hội đồng Quốc gia thẩm định theo 3 mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”. Sách được đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” có thể bổ sung và đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập hội đồng thẩm định lại.

Bộ SGK lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán bị chấm “Không đạt” trong đợt thẩm định đầu tiên.

gs ho ngoc dai anh 1
GS Hồ Ngọc Đại tại buổi trò chuyện "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" diễn ra sáng 12/9 tại Hà Nội. Ảnh: Q.Q.

Không sửa cuốn sách cả đời nghiên cứu

GS Hồ Ngọc Đại kể sau khi hội đồng thẩm định bộ sách thông báo kết quả và hỏi có ý kiến gì không, ông trả lời “không”. Cả hội đồng đứng dậy chào, còn ông đi về.

Ông nói tâm trạng của mình hiện thanh thản, vì đó là bộ sách của Nhà nước, ông ăn lương Nhà nước chứ không phải bộ sách của cá nhân mình.

Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi về việc 15 người trong hội đồng thẩm định hơn hay 930.000 học sinh đang theo học bộ sách này, đã tồn tại 40 năm qua, hơn? Giữa bộ sách đang thuê người viết vội được thông qua hay bộ sách ông nghiên cứu cả cuộc đời hơn?

Thẩm định bộ sách là việc nghiêm túc, không phải chỉ là cuộc họp biểu quyết thông qua của 15 người.

Có người đặt câu hỏi liệu có mâu thuẫn không khi bộ sách Công nghệ Giáo dục chủ yếu dạy ở vùng sâu, xa, trong khi cả 15 thành viên của hội đồng đều đánh giá “Không đạt” vì có gần 300 nội dung, chi tiết cần phải sửa, bỏ; nhiều phần bị cho là “vượt chương trình” hoặc “quá khó so với học sinh lớp 1”.

GS Hồ Ngọc Đại nói trước đó, cuốn sách đã có yêu cầu điều chỉnh, bản in cuối cùng là giải pháp. 

“Tôi không sửa bộ sách, không điều chỉnh gì cả, vì đó là công trình của cả đời. Việc điều chỉnh phải có kỹ thuật”, GS Đại nói.

Hội đồng thẩm định quốc gia từng thông qua sách của GS Hồ Ngọc Đại

Trước câu hỏi làm thế nào để bộ sách Công nghệ Giáo dục vẫn “sống” trong khi Bộ GD&ĐT không thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại dẫn câu nói “Không tình huống nào không có lối thoát vì chân lý sẽ tồn tại”.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đổi mới về nguyên lý triết học. Bản chất triết lý đặt ra câu hỏi: "Dạy trẻ con để làm gì?”. Đó không phải đổi mới về câu chữ, hình thức sách giáo khoa.

GS Hồ Ngọc Đại

Theo ông, cựu Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận mở rộng sách Công nghệ Giáo dục vì nhiều học sinh ở miền núi lưu ban, ngồi nhầm lớp với triết lý: “Điều gì có ích cho học sinh sẽ làm”. 

Cuối buổi trò chuyện, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định Việt Nam không thể không dùng sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục.

Trước đó, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, và được áp dụng vào dạy học ở trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho địa phương có nhu cầu và đảm bảo điều kiện được áp dụng dạy sách này (nhất là ở những vùng khó khăn) từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng GD&ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu và đề xuất giải pháp. Chương trình nghiên cứu do GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì.

Căn cứ kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá việc triển khai tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục ở các địa phương đạt hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả sách này.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức hội đồng thẩm định tài liệu theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Trong năm 2017-2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng việc rà soát, tinh giản các nội dung chưa phù hợp học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục.

Sau hai vòng, hội đồng thẩm định đánh giá về cơ bản, tài liệu đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT). Tài liệu đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và ý kiến kết luận của hội đồng thẩm định tài liệu, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai tài liệu phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018, 2018-2019 và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”. Tất cả tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được hội đồng quốc gia thẩm định.Căn cứ kết luận và đề xuất của hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Trong đợt thẩm định tháng 9 vừa qua, Hội đồng thẩm định đánh giá bộ sách được tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng. Nội dung, hình thức phù hợp tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. Nội dung sách cũng được Hội đồng thẩm định đánh giá đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.

Tuy nhiên, SGK Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị 15/15 thành viên hội đồng đánh giá “Không đạt” vì có tới gần 300 nội dung, chi tiết cần phải sửa, bỏ. Nhiều nội dung trong đó, các thành viên cho rằng, “vượt chương trình” hoặc “quá khó so với học sinh lớp 1”.

SGK Toán 1 - Công nghệ Giáo dục cũng bị các thành viên hội đồng thẩm định đánh giá có nhiều nội dung không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sách giáo khoa Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại bị loại từ vòng thẩm định

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm