Bộ GD&ĐT vừa có giải trình gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.
SGK đảm bảo không lỗ hoặc lỗ ít(?)
Theo Bộ GD&ĐT, việc xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK trên phạm vi cả nước được Chính phủ giao cho bộ từ năm học 2002-2003.
Bộ GD&ĐT thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn SGK, thành lập hội đồng thẩm định SGK, giao cho NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế, đăng ký xuất bản, in và phát hành sách.
SGK hiện nay độc quyền và lãng phí. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Từ năm 2002 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu để lựa chọn các nhà in có đủ khả năng nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá thành hợp lý. Việc phát hành SGK được thông qua các công ty sách - thiết bị trường học địa phương và một số đối tác phát hành.
Do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành SGK, NXB Giáo dục Việt Nam không được tự quyết định giá bìa mà được quản lý bởi Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.
Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều, giá SGK vẫn giữ nguyên.
Sách in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải "chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương".
Bộ GD&ĐT cho rằng điều này đảm bảo cho SGK không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá sách không thay đổi.
Trong khi đó, theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam, SGK lỗ gần 40 tỷ đồng/năm. Dư luận càng thêm bức xúc khi báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết chiết khấu SGK lên tới 250 tỷ đồng/năm.
Chỉ 35% SGK được sử dụng lại
Theo Bộ GD&ĐT, khi biên soạn sách, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm, hệ thống bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi nhằm rèn luyện tư duy.
Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong liên quan câu chuyện NXB Giáo dục Việt Nam báo lỗ 40 tỷ đồng/năm nhưng vẫn chiết khấu 250 tỷ đồng, đại diện Bộ GD&ÐT nói rằng NXB Giáo dục Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nên mọi hoạt động kinh doanh do NXB chịu trách nhiệm.
Bộ GD&ÐT không tham gia điều hành các hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh có ý thức giữ gìn để sử dụng sách giáo khoa được lâu bền, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, ngày 24/9, Bộ trưởng GD&ĐT đã ban hành chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Chỉ thị quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền, hướng dẫn học sinh viết vào vở, không viết vào SGK.
Bộ GD&ĐT yêu cầu tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách.
Sau khi bù lỗ 40 tỷ đồng do SGK, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn đạt lợi nhuận 150,8 tỷ đồng năm 2017. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Vì sao sách VNEN đắt?
Trước phản ánh sách VNEN (theo mô hình trường học mới) đắt đỏ, Bộ GD&ĐT cho hay sách theo mô hình này có các môn, trừ Âm nhạc, Mỹ thuật. Sách được thiết kế để học sinh tự nghiên cứu, tiếp nhận, vận dụng kiến thức, dành thời gian trên lớp để thực hành.
Sách hướng dẫn học có số trang nhiều hơn SGK thông thường, được in 4 màu, khổ sách lớn hơn 19x27cm, với in tốt hơn. Vì vậy, sách có giá cao hơn giá thông thường khoảng 1,5 lần. Sách được Bộ Tài chính quản lý về giá.
Theo Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đến nay, thêm 5 NXB được cấp phép có chức năng xuất bản SGK.
Đó là NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Vinh và NXB Đại học Huế.
Thời điểm này, 5 NXB trên chưa tham gia vào thị trường xuất bản SGK. Xu hướng chung là các NXB này sẽ tham gia hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.