Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách giáo khoa lỗ 40 tỷ/năm, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn lãi 150 tỷ đồng

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa (SGK) chiếm 60% doanh thu, gây lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm. Các mảng khác chỉ chiếm 40% doanh thu vẫn mang lại 150 tỷ đồng lợi nhuận.

Thông tin với báo chí, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết kết quả kinh doanh SGK lỗ hàng chục tỷ đồng trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho thấy đơn vị này vẫn lãi 150 tỷ đồng dù doanh thu từ SGK chiếm khoảng 60% tổng doanh thu.

Hơn một nửa doanh thu từ SGK

Theo Báo cáo Công bố Thông tin của NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ GD&ĐT năm 2017, số lượng SGK in hàng năm giữ ở ổn định ở mức hơn 100 triệu bản/năm.

Cụ thể, năm 2016, NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản hơn 101 triệu bản, năm 2016 gần 109 triệu, năm 2017 hơn 107 triệu và 2018 110 triệu bản.

Năm nay, cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục SGK do Bộ GD&ĐT phê duyệt, trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả dùng SGK mới, số lượng cần in là hơn 170 triệu bản.

Trên thực tế, lượng phát hành năm nay đáp ứng 65% nhu cầu sử dụng. Với hơn 100 triệu bản, doanh thu từ SGK chiếm tỷ lệ lớn trong tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam.

sach giao khoa lang phi hang nghin ty dong anh 1
Doanh thu từ SGK chiếm 58%-65% tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam trong 3 năm qua. Ảnh: Nguyễn Sương.

Năm 2015, SGK mang lại 656,6 tỷ đồng trong tổng doanh thu 1.041 tỷ đồng (chiếm 63%). Năm 2016, doanh thu từ SGK là 735,2 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu (1.147 tỷ đồng). Con số này năm 2017 là 703,9 tỷ đồng trên tổng doanh thu 1.203 tỷ đồng (chiếm 58%).

Ngành nghề kinh doanh của NXB Giáo dục Việt Nam gồm in ấn, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, xuất bản các loại xuất bản phẩm chủ yếu như SGK, giáo trình, sách, tài liệu chính trị, pháp luật về giáo dục, từ điển,...

Bù lỗ 40 tỷ SGK vẫn lãi 150 tỷ/năm

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, kết quả kinh doanh mảng SGK của đơn vị này liên tục lỗ hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, năm 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ 43,3 tỷ và năm ngoái lỗ 38,14 tỷ đồng.

Đại diện NXB này lý giải rằng các khoản chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK (nguyên, nhiên vật liệu, nhân công, tiền in ấn, vận chuyển) đều biến động tăng. NXB phải tự hạch toán, cân đối toàn bộ chi phí in ấn và phát hành SGK, không có trợ giá, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, SGK được Bộ Tài chính quản lý giá. Từ năm 2011, giá bán không thay đổi. Theo giá được công khai, giá bán lẻ bộ SGK chương trình phổ thông từ 45.300 đồng đến 153.000 đồng (từ 6 đến 14 cuốn mỗi bộ).

“Do chi phí đầu vào tăng cao, giá bán không đổi, doanh thu phát hành SGK vẫn không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản, phát hành SGK luôn lỗ”, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam giải thích tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 21/9.

Dù vậy, việc kinh doanh của đơn vị này vẫn lãi hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.

sach giao khoa lang phi hang nghin ty dong anh 2
Sau khi bù lỗ 40 tỷ đồng do SGK, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn đạt lợi nhuận hơn 150,8 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Sương.

Theo Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị này là 1.079 tỷ, lợi nhuận đạt 233 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 70,5 tỷ đồng. Thêm 1,6 tỷ đồng lợi nhuận từ khoản khác, lợi nhuận trước thuế của NXB đạt 72 tỷ đồng (bằng lợi nhuận sau thuế).

Năm ngoái, mức lợi nhuận trước thuế là 150,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 139,8 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.

Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ là 240,9 tỷ đồng, từ doanh thu thuần hơn 1.111 tỷ đồng. Những khoản mang lại doanh thu và lợi nhuận bao gồm sách bài tập, sách tham khảo, giáo trình, từ điển...

Đây thực sự là con số gây ngạc nhiên nhưng không khó hiểu khi ngoài SGK theo quy định của Bộ GD&ĐT, phụ huynh thường phải mua thêm không ít sách.

Như phản ánh của một phụ huynh ở Hà Nội, số lượng sách chị mua cho con là 27 cuốn, gấp 3 lần số SGK dành cho lớp 4. Số tiền người mẹ này bỏ ra là 350.000 đồng trong khi giá trọn bộ SGK chỉ hơn 77.000 đồng.

10 phát ngôn chú ý về SGK độc quyền, lãng phí nghìn tỷ đồng/năm

Hàng năm, người dân chi hơn nghìn tỷ đồng mua sách giáo khoa (SGK) dùng một lần. Ở Việt Nam, SGK độc quyền và gây lãng phí nhiều năm qua.

Kêu lỗ vẫn đầu tư hàng trăm tỷ đồng?

Thực hiện chính sách một chương trình, một bộ SGK, NXB Giáo dục Việt Nam nắm độc quyền về SGK. Trong 16 năm độc quyền, số năm NXB chịu lỗ không xác định nhưng 3 năm qua đều lỗ. Tổng giám đốc NXB thông tin thêm đơn vị này không nhận hỗ trợ, trợ giá SGK từ ngân sách Nhà nước.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao lỗ hàng chục tỷ đồng, NXB vẫn làm mà không đề xuất san sẻ nhiệm vụ phát hành SGK sang NXB khác hay yêu cầu trợ giá? Không những thế, khi chuyển sang thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn chú trọng mảng SGK, dù lỗ.

Trong Kế hoạch Sản xuất Kinh doanh và Đầu tư Phát triển 5 năm của NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ GD&ĐT, đơn vị này đặt mục tiêu chủ trì và tổ chức biên soạn các bộ SGK mới, triển khai đồng bộ sản phẩm sách bài tập, sách tham khảo, sách điện tử, thiết bị dạy học.

Cụ thể, trong năm học tới, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn thành cơ bản một bộ SGK nền, đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12, gồm sách học sinh, sách bài tập và sách giáo viên, mỗi loại 165 đầu sách.

Ngoài ra, NXB hoàn thành 2-3 bộ SGK (bộ không đầy đủ) và bộ sách điện tử kèm theo. Riêng SGK, sách bài tập phát hành đạt 170 triệu bản mỗi năm.

Đơn vị này đặt mục tiêu doanh thu đến năm 2022 đạt 1.500 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu giai đoạn 2017-2022 đạt 7.740 tỷ đồng, riêng năm 2022 đạt 1.500 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trên 4% mỗi năm.

sach giao khoa lang phi hang nghin ty dong anh 3
Theo kế hoạch giai đoạn 2017-2022, lợi nhuận từ sản phẩm sách (trong đó có SGK) chiếm 65%-70% tổng lợi nhuận của NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Sương.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2017-2022 đạt 503 tỷ đồng, năm 2022 đạt 90 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân hàng năm tăng 2%. Trong đó, sản phẩm sách (SGK, sách bài tập, sách tham khảo), các khoản thu từ quản lý xuất bản tạo thu nhập chính, đóng góp 65%-70% lợi nhuận chính.

NXB Giáo dục Việt Nam dự kiến đầu tư 150 tỷ đồng vào đề án SGK mới trong giai đoạn 2017-2022. Điều này đồng nghĩa sắp tới, đơn vị này vẫn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào SGK, dù báo lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Luật giáo dục 'mở đường' cho tiêu cực sách giáo khoa Theo TS Lê Viết Khuyến, Luật giáo dục hiện hành "mở đường" cho tiêu cực khi quy định "một chương trình, một bộ sách giáo khoa".

'Thừa nhận SGK gây lãng phí, Bộ GD&ĐT cần quyết liệt điều chỉnh'

Ba tuần sau khi khẳng định sách giáo khoa (SGK) có thể sử dụng nhiều lần, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thừa nhận sách gây lãng phí và sẽ điều chỉnh.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm