Sau khi đại biểu Quốc hội và dư luận bức xúc về tình trạng độc quyền, lãng phí SGK, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng và chỉ đạo kiểm tra việc in ấn phát hành tại NXB Giáo dục Việt Nam.
Một số chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần có hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa, nhằm xóa bỏ cơ chế độc quyền, kéo theo lãng phí cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Thông tin không thống nhất
Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng liên quan thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phổ thông mới từ năm 2000 đến nay, SGK hiện hành là phiên bản ổn định, được sử dụng nhiều năm.
Trong lần công tác vừa qua, ông Độ thấy học sinh ở Lai Châu vẫn sử dụng SGK cũ. Học sinh viết vào sách bài tập chứ không phải SGK như đại biểu Quốc hội phản ánh, dư luận bức xúc.
80%-90% SGK của lớp 1 được thiết kế cho học sinh viết vào sách. |
Tuy nhiên, khác với thông tin ban đầu, sau khi báo chí phản ánh mạnh mẽ và vấn đề lãng phí SGK "nóng" trên diễn đàn Quốc hội, mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lại thừa nhận do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập truyền thống, một số SGK, nhất là sách Toán 1, tiếng Anh, có dạng bài tập trắc nghiệm, điền vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu... SGK Toán của các nước tiên tiến cũng thiết kế dạng bài học với hình thức như trên.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục khẳng định không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập. Nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên, học sinh sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí.
Bộ GD&ĐT xác định SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể dùng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội. Giáo viên nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng nhiều lần.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định khi biên soạn SGK theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ quán triệt các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các Hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này để khắc phục tình trạng học sinh viết vào SGK, tránh lãng phí như hiện nay.
Cần hành động quyết liệt, có giải pháp cụ thể
Ngay sau khi báo chí, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tình trạng độc quyền xuất bản SGK, Bộ GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra, gồm 4 thành viên, được thành lập theo quyết định do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ký.
Nhiều chuyên gia cho hay sắp tới, Bộ GD&ĐT cần có hành động quyết liệt hơn, xem xét cụ thể SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới cần khắc phục bất cập gì, "một chương trình, nhiều bộ SGK" cần có cơ chế rõ ràng ra sao.
Học sinh viết vào SGK Tiếng Việt lớp 3. Ảnh: Q.Q. |
Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, khi còn làm quản lý, ông thấy một số nước trên thế giới có gộp phần bài tập vào SGK nhưng sau đó đã dừng lại vì không hiệu quả.
GS Hạc cho hay trước đây, một bộ sách có khi dùng tới 20 năm nhưng bây giờ dùng một năm thì quá lãng phí. Nhiều học sinh vùng sâu, xa, mỗi khi bão lũ, còn không có sách học.
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT đề xuất Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần kiểm tra kỹ những thông tin đang được dư luận, Quốc hội phản ánh để có xử lý và giải thích phù hợp.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, nói khi đã thừa nhận và hứa sửa đổi, bộ cần quán triệt thành quy định rõ ràng để thực hiện.
Bộ GD&ĐT cũng nên có kế hoạch hàng năm, chỉ cho phép in một số phần trăm SGK bổ sung nhất định, chứ không phải in tràn lan để... bán sách. Phần bài tập cần được thiết kế tách biệt với SGK. Vở bài tập nên bán giá rẻ, học xong có thể bỏ đi.
GS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ ra rằng việc cho viết vào SGK là thủ thuật, tiểu xảo để bán sách, không có ý nghĩa nhiều về chuyên môn.
Nhiều chuyên gia khẳng định Bộ GD&ĐT cần quyết liệt xử lý "tiểu xảo bán sách" nêu trên mới góp phần chống lãng phí hàng nghìn tỷ đồng như đại biểu Quốc hội và dư luận bức xúc.