Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT thừa nhận gây hiểu nhầm về tích hợp môn Lịch sử

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm về việc tích hợp môn Lịch sử.

Sáng 17/11, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau khi Dự thảo ​chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đưa ra lấy ý kiến, thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc tích hợp môn Lịch sử.

Theo ông Hiển, một trong 5 vấn đề mà dư luận băn khoăn là đổi mới môn Lịch sử từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. ​Muốn vậy phải rất coi trọng giáo dục Lịch sử, không gây áp lực nặng nề, khiến học sinh chán học như hiện nay.

Ban soạn thảo cho rằng, thực hiện việc này phải đổi mới đồng bộ nhiều yếu tố, từ xác định mục tiêu, lựa chọn và tổ chức nội dung giáo dục, đa dạng hoá và đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, cách thức đánh giá học sinh.

​Bàn về môn Lịch sử đứng độc lập hay tích hợp phải xét trong mối quan hệ với các yếu tố đó, cũng như trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông.

Thay đổi môn Lịch sử là 'sự xáo trộn tận tâm can'

Tại phiên chất vấn sáng 16/11 của Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT trả lời việc tích hợp môn Lịch sử, cũng như đổi mới giáo dục.

Với ý kiến không coi trọng Lịch sử, Ban xây dựng chương trình cho rằng, theo dự thảo, tất cả học sinh bắt buộc phải học giáo dục Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và một trong hai môn Lịch sử hoặc Khoa học xã hội.

Ngoài ra, học sinh còn được học sử trong các môn khác, nhất là Ngữ văn và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Học sinh còn có thể tự chọn những chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về Lịch sử.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm, và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Tiếp thu góp ý, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh, bổ sung cho rõ vấn đề này.

Ngoài môn Công dân với Tổ quốc là bắt buộc chung, những học sinh định hướng ngành nghề liên quan lĩnh vực xã hội có thể học Lịch sử (với yêu cầu cao về kiến thức) và chọn thêm chuyên đề mở rộng môn học này. Các em khác học Khoa học xã hội với yêu cầu nhẹ hơn về Lịch sử.

Mặt khác, thiết kế như vậy tạo thuận lợi cho mỗi môn học có thêm những chuyên đề tích hợp sâu. Hiệu trưởng trường phổ thông sẽ căn cứ năng lực thực tế của từng giáo viên để phân công giảng dạy chuyên đề cụ thể.

Giải thích cho thắc mắc kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo khi tích hợp, Ban soạn thảo khẳng định, học sinh sẽ học kiến thức Lịch sử trong ít nhất 2 môn học, kiến thức được sắp xếp theo logic mới chứ không phải xé lẻ. 

"​Sự xáo trộn tâm can"

Là người công tác 10 năm trong ngành giáo dục, hệ phổ thông, đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho biết, gần đây, dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là sự xáo trộn tận tâm can, về vấn đề nhạy cảm: thay đổi môn ​Lịch sử, từ vị trí độc lập thành tích hợp. Ông Lai đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nêu chính kiến về vấn đề này.

“Bộ trưởng có dự định gì, hoặc hoãn chủ trương thay đổi chương trình sách giáo khoa giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không? Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?", đại biểu Lê Văn Lai chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT ngày 16/11.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, môn Lịch sử không bị xem nhẹ, thậm chí còn được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.

Ông Luận cho biết, hiện học sinh THPT học 1,5 tiết Lịch sử một tuần. Trong dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội học 2,5 tiết một tuần. ​Học sinh phân ban khoa học xã hội học 4 tiết một tuần, tất cả đều bắt buộc. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức Lịch sử tăng lên.

Giải thích vì sao lại đưa môn Lịch sử vào Công dân và Tổ quốc, Bộ trưởng Luận cho rằng, đây là chủ trương tích hợp. Luật Giáo dục Quốc phòng có phần giảng dạy về Lịch sử dựng nước và giữ nước nên đã đưa vào Giáo dục Công dân để tránh trùng lắp. Dự thảo cũng đưa môn ​Lịch sử lồng ghép vào các môn học khác như Văn học, Địa lý, Âm nhạc, Thẩm mỹ...

Từ đó, người đứng đầu ngành ​giáo dục cho rằng, ​dự thảo đang lấy ý kiến nhân dân không làm giảm vị thế môn Lịch sử. Vấn đề cần thảo luận là để môn học này riêng hay gắn với các môn học khác.

'Không cần thiết thì không thay bản dịch Nam Quốc Sơn Hà'

Trả lời chất vấn Quốc hội chiều 16/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, lần làm sách này, nếu thấy không cần thiết, sẽ không thay đổi bản dịch bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà".​

Lê Phan

Bạn có thể quan tâm