Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT: Xếp hạng ĐH không thận trọng sẽ ảnh hưởng uy tín các trường

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, xếp hạng đại học (ĐH) không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược, có thể làm nhiễu thông tin.

Sinh viên muốn xếp hạng đại học Việt Nam như thế nào? Một số bạn trẻ cho rằng bảng xếp hạng đại học Việt Nam cần có tiêu chí chất lượng đầu ra, trong khi số khác muốn thêm yếu tố đánh giá là câu lạc bộ dành cho sinh viên.

Những ngày vừa qua, thông tin nhóm nghiên cứu độc lập đưa ra bảng xếp hạng 49 trường ĐH nhận được sự quan tâm của dư luận. Bảng xếp hạng ĐH Việt Nam lần đầu tiên được công bố nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT - có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Xếp hạng phải có cơ sở dữ liệu tin cậy

- Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của xếp hạng ĐH nói chung và bảng xếp hạng của nhóm nghiên cứu về 49 trường vừa công bố nói riêng?

- Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập. Xếp hạng các trường ĐH theo đúng ý nghĩa của nó là cần thiết đối với hệ thống đại học, nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan tham khảo. 

Bang xep hang anh 1
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Tiến Tuấn.

Người học cần kênh tham khảo để so sánh, chọn một trong các trường của cả hệ thống để theo học. Các nhà khoa học, người lao động cần thêm thông tin để chọn nơi làm việc phù hợp...

Các công cụ phân tích thuyết phục sẽ giúp trường có góc nhìn, đánh giá khách quan hơn về mặt hoạt động cơ bản, uy tín của họ. Điều đó góp phần để ra quyết định đúng về chiến lược cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Đối với cơ quan quản lý, thông tin về xếp hạng các trường giúp xác định tương quan năng lực của mỗi trường với cả hệ thống để quyết định đầu tư ngân sách, đặt hàng đào tạo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu, tham khảo để xây dựng một số chính sách cho giáo dục đại học. 

Tuy nhiên, việc xếp hạng cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá bằng bộ tiêu chí khoa học, được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình với nhiều người tham gia. Hệ thống tiêu chí đầy đủ, quy trình khoa học, kết quả mới có độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì chỉ mang tính học thuật.

'Xếp hạng các trường đại học không đáng tin cậy sẽ tạo hệ lụy'

TS Phạm Thị Ly (ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) cho rằng nếu kết quả của bảng xếp hạng không đáng tin cậy sẽ tạo thêm tranh cãi với bức tranh tốt xấu lẫn lộn.

- Bảng xếp hạng chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc sẽ gây hệ lụy gì?

- Hiện nay, không phải nước nào cũng xếp hạng đại học, ngay cả nhiều nước phát triển. Điều này cho thấy mức độ khó khăn, tính phức tạp của công việc này.

Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị kỹ, thận trọng, kết quả có sức thuyết phục. Chính vì thế, thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng nhưng chỉ số ít có uy tín, đưa ra kết quả được nhiều người sử dụng để tham khảo.

Tất cả kết quả xếp hạng đều là thông tin tham khảo. Tuy nhiên, làm không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược như ảnh hưởng uy tín của một số trường, "nhiễu thông tin xếp hạng", ảnh hưởng quyết định của các chủ thể căn cứ vào kết quả đó.

Thậm chí, chủ thể có thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi, chẳng hạn công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế; thu học phí cao sau khi có kết quả; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng có trọng số cao mà không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng.

Bang xep hang anh 2
Vị trí của các trường ĐH trong bảng xếp hạng. 

Sẽ bổ sung Luật Giáo dục ĐH

- Sắp tới, Bộ GD&ĐT có triển khai xếp hạng ĐH không, thưa bà?

- Sau khi có Luật Giáo dục ĐH, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH và Bộ GD&ĐT cũng đã dự thảo xong thông tư hướng dẫn từ năm 2016.

Luật Giáo dục ĐH quy định Chính phủ ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý Nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Thủ tướng công nhận xếp hạng đối với ĐH, trường ĐH, Bộ trưởng GD&ĐT công nhận xếp hạng đối với cao đẳng.

Trong điều kiện tự chủ đại học, các trường có quyền tự xác định sứ mạng, mục tiêu, vị trí, vai trò của mình... Theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, một trong những tiêu chí để xếp hạng là kết quả kiểm định chất lượng. Công tác này đang được triển khai và tiến triển tốt.

Bang xep hang anh 3
Nhóm thành viên xây dựng bảng xếp hạng.

Các trường được kiểm định chất lượng, dữ liệu sẽ có độ tin cậy, được sử dụng làm một trong những cơ sở để tiến hành xếp hạng, kết quả sẽ tốt hơn. Đó là những lý do mà việc xếp hạng chưa được triển khai trong thời gian vừa qua.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ đại học đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam.

Cần tỉnh táo với bảng xếp hạng trường đại học đầu tiên ở Việt Nam

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, với bảng xếp hạng 49 trường đại học, người tỉnh táo sẽ thừa biết giá trị. Kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải của tổ chức có uy tín.

Bảng xếp hạng trường đại học Việt Nam gây tranh cãi

Bảng xếp hạng đại học Việt Nam lần đầu tiên được công bố nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc các trường thuộc khối kinh tế nằm ở thứ hạng thấp.


Quyên Quyên ghi

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm