Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm hai vấn đề trong câu chuyện Bộ GD&ĐT cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học. Từ sự vênh nhau trong quan điểm về tiêu chuẩn đánh giá của hai Bộ Y tế - GD&ĐT, nhiều người băn khoăn việc cho phép một trường ngoài công lập mở ngành Y, Dược.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ - nêu vấn đề: “Tôi thắc mắc tại sao Bộ GD&ĐT lại quyết định cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở hai ngành này? Bộ GD&ĐT từng không cấp phép mở ngành Y đa khoa từ năm 2014 thì không nên ra quyết định phủ nhận chính mình như thế”.
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn. |
Dừng cấp phép vì báo động về chất lượng
Theo thống kê, năm 2014, cả nước có hơn 70 cơ sở đào tạo ngành Y Dược. Trong đó, nhiều cơ sở dân lập có điểm đầu vào rất thấp, thậm chí thí sinh có thể xét học bạ để vào học ngành Y.
Những trường ngoài công lập có khoa Y – Dược là ĐH Thành Đô, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Thăng Long, ĐH Đại Nam, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐH dân lập Lạc Hồng, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Tây Đô, ĐH Thành Tây, ĐH Nam Cần Thơ… Ngoài ra, nhiều địa phương có trường cao đẳng y tế, trung cấp chuyên nghiệp cũng tham gia đào tạo Y Dược.
Trong bối cảnh Y Dược "trăm hoa đua nở", dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo khi nhiều trường ngoài công lập thông báo xét tuyển từ 13, 14 điểm; hệ cao đẳng ở mức... 10 điểm. Điểm trúng tuyển có nơi cũng chỉ 17, 18 điểm.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD&ĐT với nội dung, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế, việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành Y, Dược sẽ không đảm bảo chất lượng. Đáng chú ý, cũng theo Bộ Y tế, một trong số những bất cập là các trường ngoài công lập tham gia đào tạo những ngành này.
Đến cuối tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với Dược học tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược. Việc tạm dừng nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân.
Tạm dừng rồi lại... cấp phép
Trả lời Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, khẳng định, việc này không mâu thuẫn.
Theo bà Phụng, trường xin mở ngành từ năm 2013 (Hiệu trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói xin từ năm 2012 - PV), nhưng Bộ GD&ĐT chưa đồng ý, yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất, giảng viên...
Bên cạnh đó, công văn năm 2014 gửi các trường về việc tạm dừng mở một số ngành khoa học sức khỏe trong các trường đa ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, có quy định: Trừ trường đặc biệt, hai Bộ Y tế và Giáo dục sẽ phối hợp thẩm định điều kiện cần thiết, trước khi quyết định cho mở ngành.
"Năm 2015, trường tiếp tục đề xuất, Bộ xem đây là trường hợp đặc biệt cần xem xét, vì đã đăng ký từ trước khi có công văn tạm dừng cấp phép. Việc xem xét thủ tục mở ngành đã được thực hiện theo đúng nội dung công văn trên và không có mâu thuẫn gì trong quan điểm của Bộ", bà Phụng nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia băn khoăn, khi Bộ Y tế - đơn vị tham gia thẩm định trực tiếp - đang yêu cầu trường hoàn thiện tiêu chuẩn, thì Bộ GD&ĐT có nên cấp phép?
Bất nhất vì... hiểu nhầm?
Ngày 17/11, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD&ĐT ủng hộ ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ đại học Y đa khoa và Dược học. Ngày 19/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga ký quyết định cho phép trường này mở hai ngành trên.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, qua thẩm định cùng Bộ Y tế, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình nên cho phép trường mở ngành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) lại cho rằng, thời điểm Bộ này trực tiếp thẩm định tháng 10/2015, trường vẫn phải khắc phục một số tồn tại mới đủ điều kiện đào tạo. Sau đó, trường chưa có phản hồi thì Bộ GD&ĐT đã cấp phép.
Trả lời về sự vênh nhau này, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói, đã có sự hiểu nhầm giữa hai bộ và cơ sở cấp phép là căn cứ Thông tư 08 năm 2011.
“Bộ Y tế đang có thảo luận để nâng điều kiện lên mức cao hơn so với Thông tư 08 để đào tạo ngành này. Nhưng, vấn đề chưa được thống nhất, chưa có văn bản mới nên Bộ Giáo dục vẫn căn cứ theo Thông tư hiện hành", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.