Mở đầu họp báo, GS Trần Phương chia sẻ, tên trường chỉ phản ánh những lĩnh vực chủ yếu, không bao gồm toàn bộ nội dung đào tạo. Trường sẽ đào tạo bất cứ ngành nào đất nước cần. "Ngành Y và Dược đòi hỏi trình độ công nghệ cao nhất nên nói trường tôi ngoại đạo là sai”, ông Phương nêu quan điểm.
Theo vị GS này, hiện nước ta mới có 8 bác sĩ và 1,5 dược sĩ trên một vạn dân. Trong khi đó, các nước tiên tiến đạt 40 bác sĩ trên một vạn dân. Điều đó cho thấy, người Việt được chăm lo sức khỏe quá ít nên trường muốn mở ngành đào tạo về lĩnh vực này.
“Động cơ mở ngành không có mục đích lợi nhuận hay kinh doanh, chỉ muốn bổ khuyết nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam”, ông Phương khẳng định.
GS Trần Phương - Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trả lời báo chí sáng 28/11. Ảnh:Quốc Hùng. |
Xin mở ngành trước khi Bộ GD&ĐT dừng cấp phép
Trước câu hỏi tại sao ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y, Dược, trong khi năm 2014, Bộ GD&ĐT đã tạm dừng cấp phép ngành học này, GS Phương cho rằng, không có gì bất thường.
Theo Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tháng 6/2012, trường đề nghị Bộ GD&ĐT cho mở ngành Y đa khoa, Dược học. Đến tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT mới có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
"Như vậy, trường đặt vấn đề xin mở ngành trước đó hơn 2 năm, không phải khi có quyết định tạm dừng của Bộ GD&ĐT mới đề xuất”, ông nói.
Về việc ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng, trường chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, GS Phương cho biết, ông Lợi không đủ đại diện cho Bộ Y tế. Người ký quyết định là Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường.
Điểm trúng tuyển không quan trọng bằng đào tạo
Trước băn khoăn của dư luận về “20 điểm vào ngành Y là quá thấp”, GS Trần Phương bày tỏ: “Chúng tôi không coi nhẹ đầu vào. Điểm trúng tuyển không quan trọng bằng quá trình đào tạo và đầu ra”.
Ông Phương khẳng định, không thể so sánh điểm của ĐH Kinh doanh Công nghệ và ĐH Y Hà Nội. Ở những trường top trên, thí sinh bị loại không phải quá dốt mà chỉ tiêu hạn hẹp.
Tiếp ý này, PGS.TS Nguyễn Văn Tường cho rằng, nếu tuyển sinh tốt nhưng đào tạo không chất lượng thì đầu ra chưa chắc đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, phía trường cũng thừa nhận chưa đáp ứng đủ tiêu chí. “Chúng tôi xác nhận chưa đủ về số lượng người giảng dạy, tuy nhiên, 50 người là sử dụng trong 6 năm. Trường đã mời 47 người, còn 3 người nữa có khó khăn gì đâu”, GS Phương nói.
Lãnh đạo nhà trường cũng cho biết, biên bản thẩm định ngày 5/10/2015 có kết luận của Trưởng đoàn: “Đề nghị trường bổ sung đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thí nghiệm theo góp ý của các thành viên trong đoàn thẩm định để đảm bảo theo lộ trình các năm và tăng quy mô đào tạo”. Như vậy, việc chuẩn bị là “theo lộ trình các năm và tăng quy mô đào tạo".
Đại diện trường cho biết, đã chuẩn bị 28 phòng thực hành và mua trang thiết bị trong 2 năm. Lãnh đạo khoa Y bao gồm: GS.TSKH Lê Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Phó chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường - nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó vụ trưởng Vụ khoa học đào tạo - Bộ Y tế, PGS.TS Phạm Vinh Quang - nguyên Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện 103.
Ngoài ra, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện: Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đống Đa, Đa khoa Tràng An; và hai công ty dược để sinh viên thực tập, thực hành.
Phòng thực hành về Y Dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (cơ sở Bắc Ninh). Ảnh: Anh Tuấn. |
Nhiều chuyên gia chưa đồng tình
Theo GS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, trường nói mở ngành chỉ để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành Y thì không thuyết phục.
"Các trường lớn như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM... đã tuyển đủ sinh viên chất lượng rồi, có mở thêm 100 trường Y Dược thì số lượng học viên đủ điều kiện học ngành này cũng không thể tăng lên. Như vậy, muốn có sinh viên chỉ còn cách nới lỏng chất lượng đầu vào. Điều này cực kỳ nguy hiểm với ngành học liên quan đến tính mạng con người", GS Đệ chia sẻ.
Còn TS Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An, nêu quan điểm, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nên làm tốt ngành chính của mình là đào tạo công nghệ và kinh doanh; ngành Y rất đặc thù, nếu không chuẩn bị và đào tạo tốt sẽ lập tức gây hậu quả.
Cũng theo ông Tài, cán bộ giảng viên của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chủ yếu là người về hưu, nhiều kinh nghiệm, nhưng không đảm bảo sự ràng buộc. Điều đó có thể ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Đồng tình quan điểm này, tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó viện trưởng Viện đảm bảo Chất lượng Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết, theo cách làm của ĐH Quốc gia Hà Nội, số lượng giảng viên trẻ cơ hữu phải chiếm 70%, còn lại 30% là giảng viên về hưu.
"Không nên để một ngành đào tạo có quá nhiều giảng viên là cán bộ về hưu. Các thầy nhiều kinh nghiệm đáng quý nhưng sẽ hạn chế về sức khỏe và khả năng cập nhật kiến thức mới", ông Hồng nói.
Về cơ sở vật chất, tiến sĩ này cho rằng, để đào tạo Y Dược, các trường cần trang thiết bị đầy đủ, đồng thời bộ, ngành phải thường xuyên kiểm tra, tránh trường hợp cơ sở đào tạo mượn trang thiết bị của bệnh viện, Bộ GD&ĐT kiểm tra xong rồi mang trả.
Liên quan chất lượng đầu vào, ông Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM nhận định, xét tuyển từ 20 điểm vào ngành Y là thấp, ít ra cũng phải từ 24 điểm.
"Các nghiên cứu cho thấy, sinh viên ngành Y Dược đòi hỏi có thành thích học tập tốt, với khối lượng và cường độ công việc khá cao... Nếu lấy điểm đầu vào quá thấp, sinh viên nhiều khả năng không đạt được năng lực cần thiết của bác sĩ và dược sĩ", ông Dũng nói.
Còn tiến sĩ Sái Công Hồng nêu quan điểm, điều kiện mở ngành Y phải có đặc thù riêng, dựa trên 3 yếu tố: Chất lương sinh viên đầu vào, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Trong đó, nguồn tuyển cũng là yếu tố quan trọng.
"Hiện nay có những thí sinh được 27 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội, vậy một đơn vị tuyển sinh ngành Y Dược chỉ lấy 20 điểm liệu có đảm bảo chất lượng đầu ra?", tiến sĩ Hồng đặt câu hỏi.
TS Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An: Ngành Y rất đặc biệt, nếu đào tạo không đảm bảo chất lượng, ngay lập tức sẽ gây hậu quả. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nên làm tốt ngành chính của mình.
GS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam: Tôi không đồng ý với quyết định cấp phép mở đào tạo ngành Y, Dược cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Thay vào đó, nên giao cho Bộ Y tế có cơ sở đào tạo chính thức.
PGS.TS Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ: Tôi thắc mắc tại sao Bộ GD&ĐT lại quyết định cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở hai ngành này? Bộ GD&ĐT từng không cấp phép mở ngành Y đa khoa từ năm 2014 thì không nên ra quyết định phủ nhận chính mình như thế.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Phó phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Y Dược TP HCM: Chúng ta không nên bó hẹp chỉ một số trường độc quyền đào tạo Y, Dược, nhưng cũng không thể nghĩ rằng, ai muốn đào tạo cũng được. Muốn tạo sự công bằng, theo tôi, chuẩn đầu ra rất quan trọng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM: Đề nghị xem xét lại đối với toàn bộ cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, công tác thẩm định... của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nếu không đạt tiêu chuẩn, Bộ GD&ĐT không nên cấp phép mở ngành.
PGS.TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Y Hà Nội: Việc các trường ngoài công lập mở ngành Y, Dược không còn xa lạ trên thế giới, bởi họ đảm bảo được khung chương trình quốc tế, đội ngũ giảng viên tốt, nhưng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Đào tạo ngành Y càng đòi hỏi cơ sở vật chất, thí dụ các thiết bị kỹ thuật, phòng thí nghiệm, máy móc, công nghệ… Về nguyên tắc mở ngành thì không có gì sai, nhưng thẩm định điều kiện phải cân nhắc kỹ.