Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nên xem lại việc ĐH Kinh doanh ​và Công nghệ mở ngành Y'

Theo Hiệu trưởng Đại học Y khoa Vinh, cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y, Dược là quyết định vội vàng và Bộ GD&ĐT nên xem xét lại.

​Theo TS Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An, việc xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng theo xu thế đào tạo hội nhập. Tuy nhiên, xét theo điều kiện thực tế của giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT không nên cho phép một số trường mở ngành ​Y, ​Dược.

“Ngành Y rất đặc biệt, nếu đào tạo không đảm bảo chất lượng, ngay lập tức sẽ gây hậu quả. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nên làm tốt ngành chính của mình”, TS Tài nêu quan điểm.

TS Nguyễn Trọng Tài: Cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y là chưa phù hợp

Ông Tài cho rằng, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định chung về điều kiện mở ngành trình độ đại học là tối thiểu 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng ngành đăng ký, đảm nhiệm giảng dạy 70% chương trình đào tạo. Nếu áp dụng vào ngành Y, tiêu chuẩn này quá thấp và coi thường chất lượng ngành.

Hơn nữa, cán bộ giảng viên của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chủ yếu là người đã về hưu, nhiều kinh nghiệm, nhưng không đảm bảo sự ràng buộc.

"​Việc mở trường chưa được chuẩn bị kỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội. Trong khi đó, khâu hậu kiểm chưa có. Nếu tuyển vào 10 sinh viên thì đầu ra cũng phải 9 hoặc 10 người”, TS Tài nhận định.

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được cho phép mở hai ngành Y và ​Dược. Ảnh: Anh Tuấn.

"Nhìn đâu cũng thấy bất ổn"

"Tôi không đồng ý với quyết định cấp phép mở đào tạo ngành Y, Dược cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Thay vào đó, nên giao cho Bộ Y tế có cơ sở đào tạo chính thức", GS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam nói.

GS Đặng Hanh Đệ: Trường nào cũng đào tạo ngành Y thì loạn

GS Đệ đặt câu hỏi, tại sao năm ngoái Bộ GD&ĐT có quy định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, ​Răng - ​Hàm - ​Mặt, ​Y học cổ truyền, nhưng năm nay lại nói chuẩn bị đầy đủ thì cho phép? Thực chất, Bộ Y tế đã khẳng định trường chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn.

"​Nếu cứ cho phép mở ngành Y thế này thì sẽ… loạn”, GS Đặng Hanh Đệ thẳng thắn nhận xét.

“Tôi thắc mắc tại sao Bộ GD&ĐT lại quyết định cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở hai ngành này? Bộ GD&ĐT từng không cấp phép mở ngành Y đa khoa từ năm 2014 thì không nên ​ra quyết định phủ nhận chính mình như thế”.

PGS.TS Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ .​

Theo Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, đào tạo ngành ​Y bắt buộc phải có thí nghiệm, bệnh viện. Trong khi đó, ở các bệnh viện như Việt Đức (Hà Nội), lượng người thực hành sau đại học rất đông, nếu “nhét” thêm sinh viên thì không ổn (đã có quy định cụ thể lượng sinh viên/bệnh nhân).

Liên quan vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan​, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nói, không thể chạy theo trào lưu mà cấp phép đào tạo Y, Dược, và "đã đến lúc phải siết lại chất lượng".

"Hiện nay, các ý kiến chưa thống nhất, nhưng quan điểm riêng của tôi là ủng hộ chất lượng. ​Thời gian tới phải rà soát, sắp xếp lại chứ không thể để tỉnh nào cũng có đại học đào tạo bác sĩ như thế", bà Lan nói.

Nữ Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM đề nghị xem xét lại đối với toàn bộ cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, công tác thẩm định... của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nếu không đạt tiêu chuẩn, Bộ GD&ĐT không nên cấp phép mở ngành.

Phòng thực hành khoa Y Dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ sở Bắc Ninh. Ảnh: Anh Tuấn.

Một quyết định mở ngành, mỗi Bộ nói một kiểu

Những ngày qua, nhiều bạn đọc phản hồi việc Bộ GD&ĐT cấp phép cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y, Dược. 

Độc giả Nguyễn Quang nêu vấn đề, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi thẩm định, Bộ Y tế đã đồng ý cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở hai ngành mới. Chính Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, qua kiểm tra, trường đáp ứng “trên chuẩn chung” nên mới cấp phép mở ngành.

Thế nhưng, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học​ - Công nghệ và Đào tạo​ (Bộ Y tế​) lại nói, thời điểm Bộ này trực tiếp thẩm định (tháng 10/2015), trường vẫn phải khắc phục một số tồn tại mới đủ điều kiện đào tạo hai ngành mới. Và trong khi trường chưa có phản hồi về việc đáp ứng những tiêu chuẩn trên thì Bộ GD&ĐT đã cấp phép.

“Tại sao một sự việc hai Bộ cùng phối hợp thẩm định lại nói khác nhau? Liệu Bộ GD&ĐT có vội vàng trong việc cấp phép?”, Nguyễn Quang đặt câu hỏi.

Chia sẻ quan điểm này, bạn Trần Văn cho rằng, Bộ GD&ĐT hãy cân nhắc kỹ, đừng để người dân phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định vội vàng. Bởi, Y khoa là ngành quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, không thể chủ quan như những ngành học khác.

Theo Nguyễn Đạt Trần Linh, nếu không cân nhắc trong việc cấp phép, trường này mở được Y, Dược, trường khác cũng lên tiếng muốn đào tạo ngành hot này. Nhà nhà mở ngành Y, trường trường đào tạo Dược, chất lượng sẽ ra sao?

Trong khi đó, các trường có truyền thống lâu đời như ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM… có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên sao không tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng?

Quyền Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT: Sau khi Bộ Y tế có văn bản đồng ý, kiểm tra thấy ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình nên đồng ý cho phép trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học. ​

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học​ - Công nghệ và Đào tạo​ (Bộ Y tế​): Thời điểm Bộ Y tế trực tiếp thẩm định tháng 10/2015, trường vẫn phải khắc phục một số tồn tại mới đủ điều kiện đào tạo hai ngành mới.​ Tuy nhiên sau đó, trường chưa có phản hồi thì Bộ GD&ĐT đã cấp phép.

'Không phải ai muốn đào tạo ngành Y cũng được'

"Chúng ta không nên bó hẹp chỉ một số trường độc quyền đào tạo Y, Dược, nhưng cũng không thể nghĩ rằng, ai muốn đào tạo cũng được", PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, ĐH Y Dược TP HCM nói.

ĐH Kinh doanh và Công nghệ chưa đủ điều kiện mở ngành Y Dược

Đại diện Bộ Y tế cho hay, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa phản hồi một số yêu cầu về chuyên môn thì Bộ GD&ĐT đã cấp phép cho mở hai ngành Y, Dược.

Quyên Quyên - Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm