Trước việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở hai ngành Y đa khoa và Dược học, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng Y khoa liên quan trực tiếp sức khỏe con người, nên trường đào tạo ngành này phải đảm bảo uy tín, chất lượng.
Ông cho biết, hiện nay nhiều trường đào tạo hai ngành này và thực tế cho thấy vấn đề cần xem xét là kiểm soát "đầu ra" hơn là quá chú ý "đầu vào".
"Chúng ta không nên bó hẹp chỉ một số trường độc quyền đào tạo Y, Dược, nhưng cũng không thể nghĩ rằng, ai muốn đào tạo cũng được. Muốn tạo sự công bằng, theo tôi, chuẩn đầu ra rất quan trọng", ông Khôi nói với Zing.vn.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Y Hà Nội cho rằng, đào tạo Y khoa là ngành đặc thù, cần đảm bảo nhiều yếu tố. Ngoài việc tuyển được sinh viên năng lực, tố chất tốt, cơ sở đào tạo phải có đủ giảng đường, bệnh viện để thực tập, thực hành. Giảng viên, bên cạnh năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, phải có năng lực quản lý và yêu nghề.
Về việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y khoa và Dược học, nữ tiến sĩ cho hay, trường chưa tuyển sinh và đào tạo thì không thể nói trước điều gì.
Tuy nhiên, bà nêu quan điểm, để mở ngành này, cơ sở vật chất tốt chỉ chiếm một phần quan trọng. Bởi, ngoài việc truyền thụ kiến thức, việc chuyển tải kinh nghiệm, cái tâm của nghề rất quan trọng.
Cũng theo vị nữ phó giáo sư, việc các trường ngoài công lập mở ngành Y, Dược không còn xa lạ trên thế giới, bởi họ đảm bảo được khung chương trình quốc tế, đội ngũ giảng viên tốt, nhưng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Sinh viên Y khoa trong giờ thực tập. |
"Mời nguyên Bộ trưởng Y tế quản lý giảng dạy"
Trong khi đó, GS.TS Vũ Văn Hóa - Hiệu phó ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, để cấp phép đào tạo 2 ngành này, cơ quan chức năng đã kiểm tra cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị đào tạo của trường. Ngoài ra, trường cũng ký hợp đồng với các bệnh viện để sinh viên thực tập.
"Chúng tôi đã mời các bác sĩ uy tín ở bệnh viện lớn, cùng GS, TS hàng đầu ở đại học Y đã về hưu tham gia giảng dạy. Trường còn mời TS Nguyễn Quốc Triệu - nguyên Bộ trưởng Y tế, Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương tham gia quản lý, giảng dạy 2 ngành nêu trên", ông Hóa nói.
Theo ông Hóa, trường đang xin ý kiến Bộ GD&ĐT về tổ hợp môn xét tuyển. Dự kiến, đầu tháng 12 tới, trường sẽ thông báo tuyển sinh hai ngành học mới và tuyển sinh từ năm 2016.
Tổ hợp xét tuyển hai ngành này là Toán - Lý - Hoá, Toán - Hoá - Sinh, Toán - Lý - Sinh; thí sinh đạt 20 điểm trở lên và không có môn nào dưới 5 điểm có thể nộp hồ sơ.
Ngày 17/11, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD&ĐT ủng hộ ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ đại học Y đa khoa và Dược học.
Ngày 19/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga ký quyết định cho phép trường này mở hai ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học.
Vị phó hiệu trưởng nhận định, tuyển sinh đầu năm 2016 là thời điểm trái mùa, sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết thí sinh đã nhập học. Vì thế, trường đang xem xét tuyển sinh viên năm thứ ba, thứ tư ở trường khác. Ông Hóa kỳ vọng đợt đầu sẽ tuyển được 100 chỉ tiêu.
Mức học phí ngành Y đa khoa là 50 triệu đồng/năm, còn Dược học 25 triệu đồng/năm.
Không phân biệt trường công hay tư
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có 21 trường đào tạo Y đa khoa, trong đó 5 trường ngoài công lập; 26 trường đào tạo ngành Dược (14 trường ngoài công lập). Các trường này được quản lý theo điều kiện chung, không phân biệt đối xử công hay tư.
Theo bà Phụng, Bộ GD&ĐT không có quy định về điều kiện mở theo từng ngành. Đối với ngành Y và Dược, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đảm bảo yêu cầu cao hơn quy định chung. Trong quá trình trường này đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra chặt chẽ.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho hay, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đầu tư hơn 80 tỷ đồng để chuẩn bị trang thiết bị đào tạo, tuyển dụng, trả lương đội ngũ giảng viên... Kết quả thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy, trường đáp ứng các yêu cầu chung về mở ngành và các yêu cầu mang tính chuyên ngành của Bộ Y tế.
Về đội ngũ giảng dạy, ngành Y đa khoa của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 47 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó 6 trưởng bộ môn là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; 33 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư và 14 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I, II đảm nhiệm giảng dạy 80% kiến thức ngành và chuyên ngành.
Ngành Dược có 31 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó 7 trưởng bộ môn là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư có chuyên ngành về bào chế, phân tích kiểm nghiệm thuốc, dược liệu, tổ chức và quản lý dược, dược lý lâm sàng, hoá dược và vật lý hoá.
Theo trình độ, có 5 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; 18 thạc sĩ và dược sĩ chuyên khoa I, II đảm nhiệm giảng dạy 80% kiến thức của chương trình đào tạo.
Quy định mở ngành đào tạo đại học
Năm 2011, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08 về quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng.
Theo Thông tư này, có 6 điều kiện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ đại học nói chung:
1. Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.
2. Có chương trình đào tạo của ngành đăng ký đào tạo và đề cương chi tiết các học phần/môn học trong chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
Tên ngành đào tạo có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học, cao đẳng do Bộ GD&ĐT ban hành.
Trường hợp tên ngành đào tạo chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học, các học viện, trường đại học phải trình bày luận cứ khoa học về ngành đào tạo mới đã được Hội đồng khoa học đào tạo thông qua; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới, kèm theo chương trình đào tạo tham khảo của ít nhất 2 trường đại học đã được kiểm định ở nước ngoài.
3. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo trình độ đại học, cụ thể:
a) Có phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm với các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của ngành đào tạo;
b) Thư viện của trường có phòng tra cứu thông tin, có phần mềm và các trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu: sách, giáo trình, bài giảng của các học phần/môn học, các tài liệu liên quan, có tạp chí trong và ngoài nước được xuất bản trong 10 năm trở lại đây đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập các học phần/môn học trong chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành đào tạo;
c) Có các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ, giảng viên và sinh viên;
d) Website của trường được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai thu chi tài chính.
4. Có đơn vị quản lý chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ quản lý hoạt động đào tạo trình độ đại học. Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường bảo đảm triển khai ngành đào tạo.
5. Không vi phạm các quy định hiện hành về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và các quy định liên quan khác của pháp luật trong thời hạn 3 năm tính đến ngày cơ sở đào tạo nộp hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo.
6. Ngành đăng ký đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương, vùng và quốc gia.