Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Giáo dục tính bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học

Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi và bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng.

Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm năm 2017.

Theo đó, nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh dự thi THPT quốc gia, xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2017.

Lần đầu tiên bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh.

Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, được áp dụng từ năm 2004. Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng.

Năm 2016, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học là 15 điểm cho tất cả các khối A, A1, B, C, D; không có mức sàn cho cao đẳng.

Năm 2015, điểm sàn đại học là 15 điểm và cao đẳng 12 điểm.

Nếu dự thảo này được thông qua, một số chuyên gia lo ngại việc bỏ điểm sàn đại học sẽ ảnh hưởng chất lượng đầu vào, nhất là với các trường ngoài công lập.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2016, bộ dự kiến bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học năm 2017 bởi điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định.

Theo ông Ga, điểm sàn không có nhiều ý nghĩa với các trường có điểm chuẩn cao. Mỗi trường có đặc thù riêng nên ngưỡng đầu vào khác nhau. Trước đó, năm 2016, Bộ GD&ĐT đã bỏ áp dụng điểm sàn với hệ cao đẳng.

Để có thể nộp đơn xét tuyển vào một trường đại học, các em phải đáp ứng những điều kiện khác do trường quy định. Đây là quyền tự chủ của các trường.

Tùy chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, việc đảm bảo chất lượng, uy tín, điều kiện do các trường quy định khác nhau.

Việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, ngành học không còn phù hợp xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Vì thế, dự thảo chỉ nêu điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định.

Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của mình.

THPT quoc gia 2017 anh 1
Bộ GD&ĐT áp dụng điểm sàn từ năm 2004. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Thí sinh cũng được tự chủ

Dự thảo quy chế năm 2017 cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn. Học sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 cao nhất).

Trong đợt 1, đối với các trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Đối với mỗi thí sinh, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách những nguyện vọng đã đăng ký.

Ví dụ, ngành A có điểm chuẩn 20, tất cả thí sinh đã đăng ký vào ngành này đạt điểm từ 20 trở lên được xếp vào danh sách trúng tuyển, dù đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào.

Nếu trúng tuyển nguyện vọng 3 vào trường X, nguyện vọng 5 vào trường Y, nguyện vọng 6 vào trường Z, thí sinh chỉ được báo trúng tuyển vào duy nhất trường X (có nguyện vọng cao nhất).

Điểm xét tuyển được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tuợng, khu vực.

Một điểm mới nữa là dự thảo quy định cho thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi và cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định. Như vậy, các em có nhiều thời gian để suy nghĩ việc lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số thí sinh được cấp khi đăng ký dự thi. Sĩ tử không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay đến nộp tại trường.

Thi THPT quốc gia 2017: 10 điểm mới đáng chú ý

Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 với nhiều điểm mới. Theo đó, trừ Ngữ văn, tất cả các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Cổng thông tin tuyển sinh lọc 'ảo'

Vì thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên các trường sẽ đối diện tình trạng "ảo" nhiều hơn những năm trước. Bộ GD&ĐT xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện thống kê nguyện vọng của sĩ tử, lọc ra danh sách những em trúng tuyển chính thức.

Quy trình xét tuyển: Sau khi hết thời hạn được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường, nhóm trường khai thác thông tin trên cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển.

Sau đó, các trường nhập lên cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống loại bỏ nguyện vọng thấp của người dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.

Các trường, nhóm trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc "ảo" so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm chuẩn phù hợp (có thể điều chỉnh nhiều lần trong thời gian quy định để có danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức).

Mặt khác, dự thảo quy chế năm 2017 cũng cho phép các trường được tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm, không bắt buộc một hay hai đợt cố định.

Thi THPT quốc gia 2017: Công bố phương án chính thức

Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT họp báo công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, môn Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Thi đại học thay đổi thế nào sau hơn 45 năm?

Tính từ năm 1970, kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) có nhiều thay đổi. Trong đó, hình thức thi "3 chung" do Bộ GD&ĐT chủ trì áp dụng hơn 10 năm.

 


Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm