Ngày 18/8, Bộ trưởng GD&ĐT gửi công văn tới các địa phương về mô hình trường học mới, nêu rõ: "Kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường".
Tuy nhiên, việc áp dụng chưa thực sự phù hợp điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp khó khăn. Do chưa nhận thức đầy đủ, chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình máy móc; việc triển khai nóng vội... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Học sinh tại Hà Nội trong lễ khai giảng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từ đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng; đồng thời tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ở địa phương mình.
Bộ GD&ĐT vẫn khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
Những cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Bên cạnh đó, địa phương các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp điều kiện thực tiễn.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. Mô hình này áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2013, đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với hơn 2.000 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS.
Theo mô hình này, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các ban do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm.
“Hội đồng tự quản học sinh” là biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục... Tổ chức bộ máy Hội đồng tự quản học sinh bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng, Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban đối ngoại…