Sáng 14/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về việc ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thẳng thắn đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: "Bộ GD-ĐT cần bao nhiêu tiền để cải cách?".
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng dự kiến đề án sẽ cần khoảng 34.725 tỷ đồng và chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời chất vấn của đại biểu trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 14/4. |
Bình luận về con số này, đại biểu Phan Xuân Dũng cho rằng nếu kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng chỉ do ngân sách gánh thì nhiều nhưng nếu xã hội hóa thì con số đó lại không lớn.
Trong khi đó, ông Phan Trung Lý lại bày tỏ quan điểm hơn 34.000 tỷ đồng phục vụ cho đề án này là không hề nhỏ. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần phải xin ý kiến thêm của nhiều chuyên gia giáo dục và đưa ra để dư luận xã hội thảo luận.
Cùng quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận định: “Kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là tương đối lớn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải làm rõ việc sử dụng kinh phí này như thế nào trong đề án”.
Ngoài ra, ông Hiển còn chỉ ra những bất cập của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành.
Thứ trưởng cho rằng một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng dạy chữ nhẹ dạy người. Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn.
Theo ông, nội dung chương trình, sách giáo khoa bị cắt khúc, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, đại học để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau THCS và sau THPT.
Hình thức tổ chức phân ban kết hợp với tự chọn ở cấp THPT còn cứng nhắc, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh, chưa đáp ứng được yêu cầu phân luồng đa dạng.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nêu ra thực tế theo thông lệ nhiều nước trên thế giới, sau một thời gian (chu kỳ) nhất định, chương trình giáo dục cần được xem xét, thay đổi.