
Waterbomb, lễ hội âm nhạc thường niên vào mùa hè tại Hàn Quốc, mới đây vướng ồn ào khi nữ ca sĩ Kwon Eun Bi trở thành nạn nhân bị chỉ trích "ăn mặc gợi dục". Ca sĩ sinh năm 1995 được mệnh danh "nữ thần Waterbomb" kể từ sau màn trình diễn bùng nổ vào năm 2023.
Giữa những tranh luận về phục trang ở lễ hội nhạc nước, một tài khoản mạng chia sẻ cô đã chứng kiến cảnh Eun Bi bị quấy rối tình dục tại sự kiện, kéo theo loạt tranh luận về mặt tối của sự kiện đình đám.
Nổi tiếng là sự kiện âm nhạc hoành tráng của mùa hè, Waterbomb cũng gắn liền với nhiều tai tiếng. Bên cạnh các hành vi thiếu chuẩn mực, nạn quấy rối từ người tham gia, chương trình này nhiều lần bị chỉ trích vì lãng phí nước và tác động xấu đến môi trường.
Bạo lực, quấy rối tình dục
Theo The Korea Herald, Waterbomb lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 8/2015 tại thủ đô Seoul. Sự kiện được tổ chức theo concept trình diễn âm nhạc sôi động kết hợp té nước.
Đây là lễ hội dành riêng cho người lớn, nơi cho phép uống rượu. Mỗi năm, sự kiện quy tụ hàng trăm nghìn người tham dự với các hoạt động sôi nổi. Cùng với đó, không tránh khỏi những sự cố không mong muốn.
Trước Kwon Eun Bi, nhiều nghệ sĩ biểu diễn tại sự kiện này cũng gây tranh cãi vì trang phục kiệm vải và phô bày da thịt quá mức.
Theo Kbizoom, do tính chất của lễ hội té nước, việc các ca sĩ diện trang phục hở, nóng bỏng, có vũ đạo gợi cảm và phóng khoáng hơn bình thường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc lựa chọn phong cách và chất liệu cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những tình huống ngượng ngùng, không phù hợp. Thực tế, nhiều thần tượng đã rơi vào tình huống khó xử và bị chỉ trích vì lỗi trang phục.
![]() |
Sunmi suýt có khoảnh khắc xấu hổ khi diện trang phục thiếu an toàn tại lễ hội nhạc nước. Ảnh: Kbizoom. |
Tại Waterbomb 2022, nữ ca sĩ BIBI đã khiến không khí trở nên sôi động hơn khi cởi áo phông, để lộ bộ bikini vàng bên trong. Bất ngờ, cô nhận ra dây áo bikini của mình bị tuột khi đang cởi áo và nhanh chóng dùng tay giữ chặt bộ đồ bơi. Sau vài giây bối rối, cô lấy lại bình tĩnh, cầm micro tiếp tục hát theo đúng nhịp điệu của tiết mục và tiến đến gần một vũ công để nhờ buộc dây bikini.
Trước đó, vào năm 2018, ca sĩ Sunmi có khoảnh khắc "huyền thoại" với bộ bodysuit trên sân khấu, nhưng ít ai biết về những rủi ro đằng sau. Nữ ca sĩ chia sẻ bộ này được thương hiệu khuyến cáo không nên sử dụng để đi bơi vì nó sẽ bị tuột xuống khi ngâm trong nước. May mắn, khi đó cô đã có một miếng dán ngực màu đen và tránh được tình huống xấu nhất.
Trong bài đăng cho biết ca sĩ Eun Bi bị quấy rối tình dục mới đây, nhiều người đã để lại bình luận kể về trải nghiệm không vui tại sự kiện đình đám này.
"Tôi đến Waterbomb, một người đã dùng súng nước áp lực cao bắn vào mắt bạn tôi, khiến cô ấy bị bong kính áp tròng và vỡ mạch máu. Cô ấy đã phải điều trị một thời gian", tài khoản @ChoonB kể.
Người dùng @Goyuna_a cho biết bị sốc ngay từ lần đầu tiên đến Waterbomb: "Thuốc nhuộm tóc của mọi người chảy xuống mặt, người ta xịt thẳng nước vào kính áp tròng đối phương, thật kinh khủng. Người xịt vào tôi đau điếng đã cười phá lên rồi bỏ đi".
Một số người kể lại rằng có những khách tham gia đã bắn nước vào bộ phận nhạy cảm của người khác, quấy rối bằng lời nói, thậm chí pha rượu vào để bắn thay vì nước thông thường.
"Trạm tiếp nước ở rất xa nên mọi người cứ đổ bia vào và bắn. Có người đi ngang qua rồi bắn thẳng vào mặt tôi, rất gần. Tôi tham dự một lần và không bao giờ trở lại", tài khoản @xana1136 chia sẻ.
![]() |
Sự hỗn loạn tại sự kiện đông người có thể tiềm ẩn nguy cơ bị quấy rối. Ảnh: Waterbomb Festival. |
Tranh cãi về lãng phí nước
Là sự kiện kéo dài, diễn ra lần lượt ở các thành phố lớn, Waterbomb không tránh khỏi những chỉ trích về việc lãng phí nước. Thực tế, vấn đề này đã là chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều năm.
Năm 2022, sự kiện bị chỉ trích vì lãng phí nước trong bối cảnh hạn hán. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc đang trải qua một đợt hạn hán kéo dài nghiêm trọng, bắt đầu từ mùa đông và kéo dài đến đầu mùa hè, đặc biệt các khu vực gần sông Soyang.
Nam diễn viên Lee El đã chỉ trích lễ hội này qua mạng xã hội, nói rằng: "Tôi ước gì 300 tấn nước được sử dụng tại buổi hòa nhạc Waterbomb có thể được đổ vào sông Soyang".
Năm ngoái, người dẫn chương trình truyền hình kiêm DJ Julian Quintart đã công khai chỉ trích các vấn đề môi trường của lễ hội nước ở Seoul. "Ở một quốc gia 'căng thẳng về nước' như Hàn Quốc, chúng ta phải cẩn thận với tài nguyên nước", anh bày tỏ.
![]() |
Waterbomb nhiều lần bị chỉ trích vì lãng phí nước. Ảnh: Waterbomb Festival. |
Anh cũng đăng một bức ảnh về lời mời tham dự Waterbomb - có vẻ như được gửi đến nhân vật quan trọng - lên trang cá nhân, kèm theo dòng chú thích: "Đèn LED dùng một lần trong lời mời à?".
Thiệp mời đó có kèm theo màn hình tinh thể lỏng diode phát sáng chứa video liên quan đến lễ hội. Nam DJ cho biết việc tái chế rất khó khăn, do đó anh tức giận và khó chịu khi nhìn thấy thiệp mời chứa những tài nguyên đắt tiền như thế.
Nước sử dụng trong Waterbomb và các lễ hội nước khác thường được lấy từ các bể chứa nước thành phố hoặc nước lấy từ các hồ chứa. Chia sẻ với The Korea Herald vào năm 2024, một quan chức của Khu nghỉ dưỡng Hanwha cho biết rất khó để đo chính xác lượng nước sẽ được sử dụng trong lễ hội.
Mặc dù có những chỉ trích, một số người cho rằng không công bằng khi đổ lỗi cho các lễ hội té nước về những vấn đề như hạn hán hoặc thiếu nước. "Waterbomb thực sự tiêu tốn rất nhiều nước, nhưng tôi nghĩ nước và lễ hội là hai vấn đề riêng biệt. Thay vì giảm thiểu lãng phí nước tại sự kiện, tôi tin rằng giải pháp cơ bản nên là giải quyết vấn đề hạn hán", Kim, nhân viên văn phòng 28 tuổi, bày tỏ.
Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.