Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bố mẹ 3 trẻ tử vong xin giảm án cho y sĩ tiêm nhầm vacxin

Gia đình 3 trẻ sơ sinh đã tử vong ở Quảng Trị đều có đơn xin HĐXX giảm án cho các nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc khiến trẻ tử vong năm 2013.

Sáng 17/9, TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ tiêm nhầm vacxin khiến trẻ sơ sinh tử vong xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hương Hóa (tỉnh Quảng Trị) vào ngày 20/7/2013.

HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Thiện (Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Lê Huỳnh Sơn (Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, cử nhân gây mê, phụ trách phòng mổ bệnh viện) và Trần Thị Hải Vân (y tá trưởng) 3 năm tù treo, cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Gia đình nạn nhân xin giảm án cho các bị cáo

Trước đó, khoảng 7h30 ngày 20/7/2013, y sĩ Nguyễn Thị Thuận thực hiện y lệnh của bác sĩ Lê Thị Kim Phượng, tiêm vacxin viêm gan B cho 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị.

Thuận đã đến nơi đặt tủ lạnh bảo quản thuốc. Do mất điện nên cô này dùng đèn pin điện thoại chiếu sáng để lấy 3 lọ Esmeron trong hộp giấy không đậy nắp rồi tiêm cho 3 trẻ.

Một giờ sau, Thuận nghe tiếng kêu thất thanh của các sản phụ nên chạy đến thì phát hiện cả ba trẻ đều tím tái, thở nấc. Cô này đưa các cháu đến phòng cấp cứu nhưng các bé tử vong lúc 9h cùng ngày.

Sau khi 3 trẻ tử vong, Thuận chạy về chỗ đựng thuốc để kiểm tra thì phát hiện mình lấy nhầm vacxin viêm gan B thành thuốc Esmeron (một loại thuốc gây mê).

Bị cáo mở tủ lạnh lấy vỏ hộp thuốc này bỏ vào túi áo. Đồng thời lấy ba lọ vắc-xin viêm gan B chưa sử dụng, dùng 2 bơm kim tiêm hút thuốc trong 3 lọ xả xuống nền nhà. Sau đó, cô ném 3 vỏ lọ Esmeron vào gốc cây nhãn phía sau Khoa sản...

Ngày 27/3/2015, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt Thuận 5 năm tù về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Bị cáo Sơn 4 năm tù. Nguyễn Văn Thiện 3 năm tù. 

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trần Thị Hải Vân (Y tá trưởng, Khoa khám bệnh) 3 năm tù treo cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.  

Sau phiên sơ thẩm, Sơn, Thiện và Vân đều có đơn kháng án. Người dân và gia đình các nạn nhân cũng có gửi văn bản xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho những người này. 

Trong văn bản gửi đến tòa phúc thẩm, anh Nguyễn Đình Đạo (quê Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị – bố của 1 trong 3  trẻ tử vong), cho biết: "Việc con chúng tôi mất thì bây giờ cũng không thể sống lại. Mong HĐXX  giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án để họ có cơ hội sửa sai”.

Hai trong số 3 bị cáo được giảm án

Khi được HĐXX hỏi vì sao lại để thuốc Esmeron ở tủ lạnh khoa khám bệnh, Sơn nói: "Bị cáo thấy ngăn tủ trên cùng có chỗ trống, nên bỏ thuốc vào đó chứ không biết thuốc viêm gan B".

Theo bị cáo này, tòa sơ thẩm xử phạt 4 năm tù quá nặng. "Gia đình bị cáo thuộc diện chính sách, bị cáo phải nuôi mẹ già, con nhỏ. Ba gia đình bị hại đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên mong HĐXX lưu tâm giảm nhẹ hình phạt", Sơn nói.

Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX cũng giành nhiều thời gian để làm rõ có hay không việc các bị cáo phi tang, giấu chứng cứ khi đoàn Thanh tra Sở y tế tỉnh Quảng Trị đến làm việc. 

Thuận nói, do quá hoảng sợ nên mới vứt 3 vỏ lọ thuốc chứ không phải cố ý phi tang. Khi phát hiện các bé nguy kịch, chính cô cũng là người tham gia cấp cứu. 

"Nếu hôm đó không bị mất điện thì các cháu không phải ra đi oan uổng như vậy. Tôi xin nhận trách nhiệm và xin lỗi các gia đình nạn nhân", Thuận thành khẩn nói.

Tại tòa, Thiện thừa nhận đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và sử dụng thuốc, dẫn đến 3 trẻ sơ sinh tử vong.

"Quản lý một cơ quan thì người đứng đầu chịu trách nhiệm. Mức án sơ thẩm đối với bị cáo là quá nặng. Làm bác sĩ, ai cũng mong chữa bệnh cứu người. Còn việc các cháu tử vong đúng là có sự nhầm lẫn đáng trách của các nhân viên", bị cáo Sơn nói và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

 Đại diện VKS giữ quyền công tố chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thiện và Sơn. Vị này đề nghị HĐXX cho 2 bị cáo hưởng án treo. Riêng kháng cáo kêu oan của bị cáo Vân không có cơ sở nên giữ nguyên bản án.

HĐXX cho rằng, các bị cáo đều có nhân thân tốt, việc phân công công tác, ủy quyền quản lý tại bệnh viện chưa rõ ràng. Nơi này cũng chưa được trang bị tủ lạnh để quản lý thuốc. 

Do vậy, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Trị là quá nghiêm khắc, không tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.

Sau khi nghị án, HĐXX giảm từ tù giam xuống tù treo cho Thiện và Sơn. Còn Vân thì vẫn y án 3 năm tù treo. Do Thuận không có đơn kháng cáo nên không được xem xét.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm