Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi đã từng run tay khi tiêm vắc xin cho trẻ'

Những tai biến sau khi tiêm vắc xin và làn sóng của dư luận, nỗi sợ hãi đã khiến nhiều bác sĩ ở những tuyến dưới run tay khi tiêm.

Ông Phan Đăng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, xúc động khi mọi người nói đến cơn khủng hoảng truyền thông y tế trong vụ việc ba trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin tại Quảng Trị xảy ra tháng 7/2013. 

Câu chuyện đã xảy ra gần 2 năm nhưng ông Sơn vẫn không thể nào quên. Bác sĩ này kể: "Tôi là người phụ trách về tiêm chủng cho bệnh viện. Sau khi tiếp nhận thông tin có ba trẻ sơ sinh tử vong vì tiêm vắc xin viêm gan B tại bệnh viện Hướng Hóa, Quảng Trị, tôi đã khẳng định 3 cháu bé bị tai biến không phải là do vắc xin viêm gan B. Đây là chùm ca bệnh, xảy ra tỷ lệ 1/1 triệu, không có khả năng do tai biến hoặc chất lượng của vắc xin”. 

Bác sĩ Phan Đăng Sơn - PGĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Bác sĩ Phan Đăng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Ban giám đốc bệnh viện huyện Nho Quan đã giao cho bác sĩ Sơn xuống rà soát lại các khâu, từ bảo quản, phân loại bệnh nhân, chỉ định tiêm cho từng cháu.

“Toàn bộ khoa sản bàn ra nói vào nhưng bản thân tôi khẳng định vẫn phải tiêm vắc xin cho trẻ. Vì nếu không tiêm các cháu sẽ mất đi thời gian vàng phòng bệnh. Các điều dưỡng vẫn tiêm nhưng rất dè dặt. Tuy nhiên, ngày hôm sau tất cả các thông tin từ báo chí đưa đến khiến bản thân các bác sĩ trong khoa run tay.

Sau đó truyền thông lại đưa tin có sự vụ tiêm nhầm oxytocin là thuốc giảm co cho trẻ sơ sinh. Nhiều năm quản lý về tiêm chủng, bác sĩ Sơn khẳng định thuốc này không bảo quản trong dây chuyền lạnh, lọ oxytocin khác với ống vắc xin viêm gan B nên các điều dưỡng không thể nhầm được. Từ ngay hôm đó chúng tôi không tin đài báo. Mặc dù chúng tôi thông cảm đài báo thời sự là cần thông tin nhanh”, ông Sơn chia sẻ.

Bác sĩ Sơn vẫn chỉ đạo khoa sản phải tiêm vắc xin cho trẻ nhưng lúc ấy các bệnh viện trung ương cũng dừng tiêm vắc xin viêm gan B. Ông tâm sự: “Lúc đó tôi đành im và khoa cũng không tiêm nữa. Các thầy của chúng tôi ở tuyến trung ương còn không dám tiêm. Khoa sản không có bác sĩ nào dám tiêm và người nhà của sản phụ cũng không cho tiêm.

Nữ hộ sinh còn bảo tôi, bác cứ quyết định cho chúng em tiêm thì bác xuống mà tiêm. Khi ấy, tôi chẳng biết nói gì dù nhân viên cãi lời mình và cuối cùng là không tiêm. Thời gian này kéo dài mất một vài tháng. Sau đó Bộ Y tế hướng dẫn lại nên bệnh viện chúng tôi tiêm lại vắc xin viêm gan B cho trẻ. Lúc đó, dù biết tác hại không tiêm là rất lớn, nhưng đến như tôi, là người có chuyên môn mà còn run huống chi đến người dân”.

Nhốt người nhà bệnh nhân để lấy máu cứu sản phụ 

Bác sĩ Sơn tâm sự: "Câu chuyện này có lẽ tôi không bao giờ quên, năm 2007, có một trận lụt lớn. Nhân viên của bệnh viện được chứng kiến một ca tai biến sản khoa xảy ra. 

Trường hợp này đã đi khám và được khuyên đẻ phải ở tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh nhưng khi đến bệnh viện huyện tử cung mở, có rối loạn đông máu. Bệnh viện phải mổ cấp cứu vì thai to không xuống được.

Khi mổ xong khâu lại rồi máu trong chỉ khâu cứ rỉ ra. Ban lãnh đạo đã chỉ định đưa bệnh nhân xuống bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu nhưng lại đang có trận lụt không ra tuyến tỉnh được với tình trạng đó. Vận chuyển bệnh nhân đi theo quốc lộ 1 sẽ mất hơn 50 cây số, tiên lượng không thể kịp cấp cứu". 

Lúc đó, bác sĩ Sơn đã gọi cho trưởng khoa sản của bệnh viện Nho Quan đưa bệnh nhân lên phòng mổ lại. Để các cán bộ của khoa giữ bệnh nhân ở lại, bác sĩ Sơn phải lấy mình ra đảm bảo: “Cứ để bệnh nhân ở lại, hậu quả đâu tôi sẽ chịu”. Nói rồi, bác sĩ Sơn vội vàng điện thoại cho bệnh viện tỉnh đưa 5 đơn vị máu lên. 

Sản phụ cần máu cấp cứu, dù 8 anh chị em của sản phụ đã xung phong tiếp máu nhưng lúc sau lại đổi ý. “Bệnh nhân người dân tộc nên họ thay đổi quyết định cũng nhanh”, bác sĩ Sơn nói. 

Giám đốc bệnh viện phải gọi họ vào phòng nói chuyện nhưng người ta vẫn chưa chịu. Để cứu được bệnh nhân, bệnh viện đành nhốt cả 8 anh, chị em của sản phụ này để lấy máu truyền cho sản phụ kia. 

Mọi nỗ lực của các bác sĩ đã được đền đáp khi sản phụ qua cơn nguy kịch và sức khỏe dần hồi phục. Câu chuyện đã xảy ra 8 năm nhưng khi nhắc lại nó, bác sĩ Sơn vừa hạnh phúc, vừa sung sướng đã cứu được bệnh nhân trong hoàn cảnh bất khả kháng.

http://infonet.vn/pgd-benh-vien-toi-da-tung-run-tay-khi-tiem-vac-xin-cho-tre-post161789.info

Theo Khánh Ngọc/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm