Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bố mẹ cầu cứu bác sĩ tâm thần vì con trai nghịch không biết mệt

Bố mẹ cậu bé thuê 2 người giúp việc để trông con nhưng họ đều xin nghỉ vì không ngăn nổi những trò nghịch của T.A.D.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bé trai T.A.D., 11 tuổi, được bố mẹ đưa tới chữa bệnh “nghịch không biết mệt”. Bé liên tục trong trạng thái hoạt động, nghịch ngợm đủ trò. Bố mẹ thuê 2 người giúp việc trông nhưng họ đều xin nghỉ. Gia đình phải cầu cứu bác sĩ.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bé D. được xác định mắc tăng động giảm chú ý. Sau hơn 2 năm điều trị, tình trạng của bé được cải thiện đáng kể.

roi loan tang dong giam chu y anh 1
Bác sĩ Lê Công Thiện thông tin về căn bệnh. Ảnh: Thế Anh.

Bác sĩ Lê Công Thiện cho biết tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tại Mỹ, từ 5%-9% trẻ em trong độ tuổi 5-12 mắc ADHD. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý khoảng 4% (nghiên cứu trên 1.320 trẻ).

ADHD có những biểu hiện chính như: Vận động nhiều, luôn nhấp nhổm, chạy nhảy, leo trèo; không tuân thủ các quy định, yêu cầu; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hàng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt; bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi, nói quá nhiều… hoặc trạng thái hỗn hợp.

“Nhiều phụ huynh nhầm lẫn giữa trẻ hiếu động và tăng động. Trẻ hiếu động nghịch nhiều nhưng đúng mục đích và có thể tập trung được trong thời gian nhất định để học tập. Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện hoạt động liên tục, như được “gắn động cơ”, không thể tập trung tiếp thu kiến thức”, bác sĩ Lê Công Thiện nói.

Hệ lụy của vấn đề này là tình trạng phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc, cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm có vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện, hồi phục chức năng cho các trẻ bị ADHD.

Theo bác sĩ Thiện, nhiều phương pháp điều trị ADHD như giáo dục, trị liệu tâm lý, dùng thuốc và kết hợp... Trong đó, liệu pháp kết hợp giữa thuốc, giáo dục hành vi và trị liệu tâm lý được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực nhất.

Một số người có quan điểm sai lầm như dùng thuốc điều trị ADHD có thể gây nghiện. Thực tế, những trẻ mắc hội chứng ADHD, nếu không được điều trị thuốc và kiểm soát tốt, sẽ có nguy cơ mắc thêm các rối loạn tâm thần khác, nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, rối loạn hành vi, cũng như tai nạn cao hơn so với trẻ bình thường.

Khi trẻ có biểu hiện của ADHD, cha mẹ và nhà trường nên đưa trẻ đến các cơ sở khám chuyên khoa Tâm thần Nhi để được khám, đánh giá chính xác, toàn diện và được tư vấn, can thiệp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Sốt lâu ngày không khỏi, bé trai nhiễm virus nguy hiểm

Adeno là một dạng virus gây ra các bệnh cấp tính với triệu chứng đa dạng. Loại virus này chủ yếu lây lan qua đường hô hấp.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm