Chị Nguyễn Thị Luyện là điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Chồng chị cũng là cán bộ cùng làm việc tại đây.
Những ngày thường, anh chị đảm nhiệm phần việc của mình ở các vị trí riêng biệt. Khi dịch bệnh bùng phát, họ sát cánh bên nhau trực tiếp chăm sóc, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng trong tỉnh.
Đã gần một tháng, nữ điều dưỡng cùng chồng điều trị cho bệnh nhân Covid-19. |
“Hai vợ chồng tôi cùng ở trong khu điều trị vì thế 2 con phải ở nhà một mình. Cháu lớn đang ôn thi vào đại học, còn cháu nhỏ thì mới học lớp 6. Do các cháu đã quen với việc tự lập, tôi cũng yên tâm phần nào khi để 2 anh em tự chăm sóc nhau lúc bố mẹ vắng nhà”, chị Luyện kể.
Do công việc, nữ điều dưỡng thường xuyên phải để hai con ở nhà một mình. Tuy nhiên, đây là lần chị xa nhà lâu nhất. Chính vì thế, cuộc sống gia đình gặp không ít xáo trộn.
"Con trai lớn rất thiệt thòi vì năm nay thi đại học. Thời khắc quan trọng như vậy mà không được mẹ quan tâm, hướng dẫn, phải tự lập, chỉ nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Đôi khi tôi hết ca, rỗi việc thì con còn học bài, lúc con rỗi thì tôi phải làm việc".
Chị Luyện phải tranh thủ từng phút gọi về nhà, hướng dẫn con trai lớn làm việc nhà, chăm sóc em thay phần mẹ, động viên con học.
Chiến thắng dịch bệnh mới về nhà
Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Bắc Giang đang điều trị cho 50 bệnh nhân Covid-19 nặng.
Hàng ngày, nữ điều dưỡng bận rộn với việc chăm sóc, theo dõi, phối hợp cùng các bác sĩ xử lý các vấn đề bất thường của bệnh nhân. Ngoài ra, chị còn mang đồ ăn vào cho người bệnh, một ngày ba lần.
Số ca nhiễm ở Bắc Giang tăng nhanh, nhiều ca bệnh nặng, công việc của các y bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch rất vất vả.
Đôi khi, bệnh nhân nặng nhập viện dồn dập, có những đêm người bệnh liên tục khó thở, suy hô hấp, mệt mỏi... Những lúc như thế, các điều dưỡng, y bác sĩ phải hỗ trợ ngay, cứu chữa nhanh nhất, tránh để người bệnh tiến triển nặng.
Gần một tháng cùng bệnh nhân chiến đấu với Covid-19, chị Luyện có nhiều cảm xúc đặc biệt. |
Bên cạnh đó, do thời tiết nóng bức, các cán bộ điều trị phải chia theo kíp trực, mỗi kíp sẽ kéo dài 4 tiếng. Trong khoảng thời gian này, mỗi cán bộ đều phải mặc đồ bảo hộ đảm bảo an toàn trong quá trình thăm khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ.
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, nữ điều dưỡng có nhiều kỷ niệm khó quên.
Chị Luyện kể các bệnh nhân hầu như không có người nhà bên cạnh. Vì thế, khi được các y bác sĩ chăm sóc từ A-Z, họ rất xúc động. Như 2 bệnh nhân hôm 10/6 được ra viện, họ đã khóc và cảm ơn các y bác sĩ.
Ngoài ra, có trường hợp bệnh nhi 5 tuổi vào nhập viện cùng bà nội sau khi cả nhà bị nhiễm bệnh.
“Khi đón bé, các y bác sĩ phải nhờ phòng hành chính mua quần áo, đồ chơi. Hàng ngày, chúng tôi thay phiên nhau làm bảo mẫu để bé được thoải mái nhất. Vì hoàn cảnh đặc biệt mà ban lãnh đạo đã đồng ý đón mẹ và em trai 2 tuổi lên điều trị cùng bé. Cả 3 mẹ con được sắp xếp ở một phòng riêng”.
Theo nữ điều dưỡng, mỗi bệnh nhân lại có một hoàn cảnh đặc biệt. Dù trong hoàn cảnh nào, họ đều được đội ngũ y tế tận tình chăm sóc.
Sau khi giao ca, nữ điều dưỡng tranh thủ nghỉ ngơi, gọi về cho 2 con. Mong muốn lớn nhất lúc này của chị là sớm dập được dịch, hoàn thành điều trị người bệnh để trở về nhà.
Dù rất nhớ, lo lắng cho con, nữ điều dưỡng khẳng định luôn cùng ông xã và các đồng nghiệp chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chiến đấu đến khi nào hết dịch.
"Vợ chồng tự nhủ phải cùng nhau hoàn thành tốt công việc, sau đó sẽ sắp xếp thời gian hợp lý cho cuộc sống riêng. Đây vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc, vừa là đam mê với công việc", nữ điều dưỡng Luyện nói.