Do tình hình dịch bệnh căng thẳng, những ngày qua, công việc của chị Lê Thanh Bình, nhân viên bộ phận mua hàng quốc tế của một tập đoàn sản xuất thiết bị y tế, luôn trong trạng thái bận rộn.
Ngày 24/7, chị là một trong những người được công ty điều động đến Hưng Yên làm việc để đảm bảo sản xuất và cung ứng hàng hoá cho toàn quốc.
Lúc nhận thông báo, nỗi lo đầu tiên hiện lên trong mắt Thanh Bình là về hai đứa con nhỏ: bé Đức Anh (nickname Sam, 6 tuổi) và Linh Chi (nickname Cỏ, 3 tuổi).
Gần 3 tháng qua, anh Toản, chồng chị, trực chiến ở doanh trại quân đội vì nhiệm vụ đảm bảo huấn luyện và chi viện. Ông bà ở xa, vì vậy, một mình chị Bình vừa phải lo việc ở công ty, vừa chăm con.
"Thời gian vừa rồi, ít ra tôi còn có thể sáng đi làm, tối về với con. Tuy nhiên với nhiệm vụ lần này, tôi không thể đi lại vì tính chất công việc cũng như tuân thủ Chỉ thị 17", chị Bình nói với Zing.
Chồng trực chiến ở đơn vị, chị Bình nhận nhiệm vụ tại công ty, hai con nhỏ đành gửi cô giáo quen biết chăm sóc. |
Giữa lúc rối bời, Thanh Bình nhận được tin nhắn từ một số hàng xóm cùng chung cư, đặc biệt là Thu Hằng, cô giáo mầm non quen biết: "Em cứ gửi hai bé qua nhà chị, thời gian này, chị sẽ giúp hai vợ chồng chăm sóc các con, cứ yên tâm công tác nhé".
Là giáo viên tại trường mầm non Cỏ theo học, lại sống cách nhà Thanh Bình chỉ khoảng 1 km, từ lúc trường học đóng cửa, cô Hằng cũng là người giúp trông hai anh em Sam, Cỏ vào ban ngày để chị Bình đi làm.
"Hai bên gia đình quen biết đã lâu, cô Hằng cũng có thời gian chăm sóc, thân thiết hai bé nên tôi quyết định nhờ cô tiếp tục giúp đỡ trong thời gian này. Nếu không có cô, có lẽ tôi cũng không biết xoay xở ra sao".
Sự ấm áp trong đại dịch
Từ lúc dịch bệnh tái bùng phát, chồng vắng nhà, Thanh Bình vừa lo làm, vừa lo cho con. Nhiều lúc, chị cũng mệt mỏi vì áp lực công việc, các con lại đang tuổi tò mò, hay hỏi han, thích khám phá.
Dù vậy, Thanh Bình luôn cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh.
Sam, Cỏ được bố mẹ rèn lối sống tự lập và yêu thương nhau. |
"Có hôm tôi về muộn, các anh chị hàng xóm đã đón con hộ, có lúc nấu cơm cho cả 3 mẹ con, hoặc chia cho từng bó rau, con cá để tôi không phải vội vàng việc chợ búa.
Chính vì những điều tốt đẹp ấy nên dù thời gian qua vất vả, tôi vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều gia đình khác khi còn công việc để làm và được gặp con".
Tuy nhiên, vì Sam, Cỏ còn quá nhỏ, Thanh Bình không tránh khỏi chạnh lòng, thương các con khi phải cùng người lớn trải qua quãng thời gian khó khăn này.
"Sinh nhật 2 đứa đều vào cuối tháng 6, bố không thể về, khi được hỏi thích quà gì, các con đều bảo được gặp bố là món quà lớn nhất rồi. May mắn thời điểm đó tình hình dịch tại Hà Nội chưa quá phức tạp, đơn vị của chồng tôi tạo điều kiện cho cả nhà gặp nhau ở phòng tiếp dân để cùng thổi nến. Bây giờ, 4 người chỉ có thể gặp nhau qua màn hình điện thoại".
"Bố mẹ về sớm với con nhé"
Một trong những điều khiến Thanh Bình hạnh phúc, tự hào là dù còn nhỏ, Sam, Cỏ đã khá tự lập và luôn yêu thương nhau. Đặc biệt, Sam thường xuyên ra dáng anh cả, phụ mẹ cho em ăn, có hôm hát ru cho em ngủ.
Lúc nghe mẹ thông báo phải đi công tác, Sam phụng phịu, Cỏ thì khóc òa. Nhưng khi được cô giáo giải thích, cho xem video về những người nghèo, người bệnh và nói bố mẹ đi giúp đỡ họ, các bé không còn quấy khóc.
Những ngày này, dù là lần đầu tiên xa cả bố lẫn mẹ, Sam, Cỏ được cô giáo khen ngoan, đùm bọc nhau. Ngoài để ý đến em, Sam còn bắt đầu học bảng chữ cái, tập đếm để chuẩn bị vào lớp 1.
Hai anh em ngoan ngoãn, không quấy khóc khi xa bố mẹ. |
Mỗi lúc được gọi video với bố mẹ, hai anh em lại tranh nhau kể về những việc tốt đã làm trong ngày, không quên thủ thỉ: "Chúng con ngoan lắm, bố mẹ đi làm rồi về sớm với con nhé".
"Ở nhà, vợ chồng tôi luôn dạy con sống hòa đồng, nhân ái và tự lập. Hy vọng sau lần này, hai con sẽ trưởng thành hơn, không cảm thấy bỡ ngỡ nếu bố mẹ đi công tác dài ngày nữa", chị Bình chia sẻ.
Với bà mẹ hai con, niềm mong mỏi lớn nhất hiện giờ là dịch bệnh sớm được dập tắt, để gia đình không còn phải chịu cảnh "4 người ăn cơm 3 nơi".
"Thật sự tôi rất thèm cảm giác được nấu một bữa cơm ấm cúng, cả nhà vui vẻ ăn uống với nhau. Mong rằng ngày mọi thứ trở lại bình thường không còn xa nữa".