23% phụ thuộc vào gen di truyền
Theo số liệu từ PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, tháng 10/2014, người Việt thấp nhất khu vực châu Á, với chiều cao trung bình của nữ giới là 1m53, nam giới là 1m64, cách biệt 8-10 cm so với Nhật và Hàn Quốc. Đáng chú ý, Nhật Bản từng là một trong những dân tộc lùn nhất châu Á, giờ đây đã vươn lên vị trí thứ 3 châu lục (1m7 ở nam, 1m58 ở nữ). Điều này chứng tỏ rằng chiều cao hoàn toàn có thể cải thiện chứ không phụ thuộc 100% vào gen di truyền.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. TTƯT, Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cũng cho biết để quyết định chiều cao của một người, chỉ có 23% từ di truyền (tức là phụ thuộc vào chiều cao của bố mẹ - yếu tố khó thay đổi).
Theo đó, nếu biết cải thiện chế độ dinh dưỡng, tích cực vận động, chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện chiều cao.
Bí quyết cải thiện chiều cao
Theo BS Tường Vi, chiều cao ở nam chỉ ngừng phát triển ở tuổi 25, nữ là 23. Trong khoảng thời gian trước đó, bố mẹ hoặc bản thân có thể cải thiện chiều cao bằng các biện pháp sau đây.
Cải cải thiện chế độ dinh dưỡng
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng chiếm 32% trong các yếu tố quyết định chiều cao của con người. Tuy nhiên, BS Tường Vi lo ngại mặc dù điều kiện kinh tế đã khá hơn rất nhiều, nhưng người Việt đang có chế độ ăn uống không cân bằng. Việc lạm dụng các thực phẩm nhiều chất đạm, đồ ăn nhanh, nước ngọt, rượu bia…. đang gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, đồng thời gây cản trở đến việc phát triển chiều cao.
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng cần phải có đủ năng lượng phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo nguyên tắc không quá ít hay quá nhiều. Bữa ăn cần đủ 4 yếu tố: đạm (10-15%), tinh bột (chiếm 60-65%), chất béo (chiếm 10%) và chất xơ (20-25%).
Đặc biệt, để phát triển chiều cao, bạn cần chú ý tăng cường lượng canxi vào cơ thể. Chất này có nhiều nhất trong sữa, cua, tôm, cá (tôm phải ăn cả vỏ, cá ăn cả xương). Tuy nhiên trên thực tế, lượng canxi hấp thu vào cơ thể khá ít.
Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, mỗi ngày cần uống 500 ml sữa, có thể dùng sữa tươi hoặc sữa bổ sung canxi, sử dụng thêm sữa chua 1-2 hộp hoặc phô mai. Trong bữa ăn chú ý tăng thực phẩm có nhiều canxi như tôm tép ăn cả vỏ, cua đồng, cá kho nhừ ăn cả xương, các loại rau xanh, đậu nành và sản phẩm lên men từ đậu nành.
Bổ sung vitamin D từ ánh nắng mặt trời
Khoảng 20% chiều cao phụ thuộc vào môi trường và điều kiện sống. Nhiều người đã bỏ qua tác dụng quan trọng của vitamin D có trong ánh nắng mặt trời (trước 10h sáng, sau 16h) đối với sự tăng trưởng chiều cao. Các chuyên gia luôn khuyến nghị các mẹ cho trẻ nhỏ ra tắm nắng 10-25 phút mỗi ngày để tăng cường vitamin D. Với người lớn, việc tránh nắng quá kỹ là điều không cần thiết.
Tăng cường tập luyện thể thao
Vẫn theo BS Tường Vi, những môn thể thao giúp phát triển chiều cao rất tốt bao gồm bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, đặc biệt là đu xà. Sở dĩ người Việt thấp hơn các quốc gia khác một phần nguyên nhân rất lớn là do lười thể dục, hoặc có tập nhưng không nghiêm túc. Do đó, bố mẹ nên rèn cho trẻ tập các môn thể thao ngay từ khi còn bé để cải thiện tốt nhất chiều cao.
Công thức tính chiều cao theo gen di truyền
Công thức 1:
Chiều cao con trai = [(chiều cao mẹ + 15 cm) + chiều cao bố] / 2
Chiều cao con gái = [(chiều cao bố - 15 cm) + chiều cao mẹ] / 2
Công thức 2:
Cần tính chiều cao trung bình của bố và mẹ:
TBBM = (chiều cao bố + chiều cao mẹ) / 2
Với bé trai: chiều cao trung bình = TBBM + 6 cm, chiều cao tối đa = TBBM + 11 cm, chiều cao tối thiểu = TBBM + 1 cm.
Với bé gái: chiều cao trung bình = TBBM - 6 cm, chiều cao tối đa = TBBM + 1 cm, chiều cao tối thiểu = TBBM - 11 cm
Công thức 3:
Chiều cao của con trai = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ) × 1.08 ÷ 2 (cm)
Chiều cao của con gái = (chiều cao của bố × 0.923 + chiều cao của mẹ) ÷ 2 (cm)