Tháng 11/2020, tôi thấy mình trên xe cấp cứu, tức tốc đưa bố từ bệnh viện trung ương chuyển sang bệnh viện tư ở thành phố Kolkata (Ấn Độ) để ông được dùng loại máy thở hiện đại hơn. Trước đó một hôm, mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng.
Chỉ trong vòng 10 ngày, tôi mất cả bố lẫn mẹ vì Covid-19.
Suốt 6 tháng sau, tôi vẫn chưa khỏi đau buồn, nhưng lòng lại cảm thấy biết ơn vì mọi chuyện đã xảy ra vào năm ngoái, chứ không phải năm 2021 này.
Người thân khóc trong đám tang của một bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Kashmir. Ảnh: Reuters. |
Ấn Độ, nơi tôi sinh ra, đang trải qua một trong những đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới. Hiện quê hương tôi là quốc gia thứ 3 trên thế giới, sau Brazil và Mỹ, vượt qua mốc 300.000 ca tử vong. Đồng thời, Ấn Độ cũng lập kỷ lục về số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất toàn cầu.
Trở lại đầu năm 2021, trong cuộc họp trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khoe khoang rằng Ấn Độ đã “cứu nhân loại khỏi thảm họa lớn bằng cách kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả”, ám chỉ thành công của nước này trong ngăn chặn làn sóng dịch đầu tiên.
Đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan lại tuyên bố rằng đất nước này đang ở "giai đoạn cuối" của đại dịch. Do đó, hầu hết người dân Ấn Độ đều mất cảnh giác trước đại dịch. Thế nhưng, lúc ấy tôi tin rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến.
Cuối tháng 4, nỗi sợ của tôi được minh chứng rằng không phải không có cơ sở. Số lượng ca nhiễm mới và tử vong vì virus SARS-CoV-2 bắt đầu áp đảo toàn quốc giữa loạt các cuộc biểu tình bầu cử trước tiểu bang và tụ họp tôn giáo lớn.
Sự thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng đã gia tăng gấp đôi mức độ tàn phá của làn sóng dịch thứ hai này. Từ trước đại dịch, đất nước 1,39 tỷ dân chỉ có 17.000 máy thở trong các cơ sở y tế công cộng trên khắp Ấn Độ.
Mọi bệnh viện đều hết những vật dụng cơ bản như bình dưỡng khí. Còn mạng xã hội trở thành đường dây nóng cho tất cả hình thức viện trợ Covid-19.
Trong lúc nguy cấp, nhiều bang nhận được máy thở hỏng, lỗi, không thể hoạt động. Ảnh: CNN. |
Những thất bại mang tính hệ thống chính quyền Ấn Độ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng không còn chỉ được bàn tán bằng giọng nhỏ nhẹ, kín đáo ngoài hành lang bệnh viện.
Ngay cả Tòa án Tối cao Delhi tháng trước cũng khẳng định rằng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe ở nước này “đang trong giai đoạn sắp sụp đổ”.
Tuy nhiên, những lời phàn nàn đó vẫn bị coi là những cáo buộc tấn công “vô căn cứ” nhằm vào chính phủ.
Đáng chú ý, đại dịch không chỉ là vấn đề ở khu vực đô thị. Virus này đang lây lan nhanh chóng sang các vùng nông thôn Ấn Độ, nơi sinh sống của đại đa số cư dân nhưng lại có ít bệnh viện, bác sĩ và máy thở.
Khi đối mặt với loại virus chết người, tốc độ lây lan nhanh, chất lượng chăm sóc sức khỏe mà họ nhận được chính là vấn đề sinh tử.
Tôi từng dốc toàn lực, cố gắng để bố mẹ tôi nhận được sự chăm sóc y tế chu đáo nhất và loại máy thở tốt nhất. Giờ đây, tất cả người dân Ấn Độ cũng đều cần được tiếp cận thiết bị cứu sinh đó.