Bên cạnh tuyển dụng, HR còn phụ trách khâu đào tạo, chăm lo đời sống tinh thần cho toàn bộ nhân viên. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Nhiều người tin rằng bộ phận HR (Human Resources - tạm dịch: quản lý nhân sự) khá nhàn nhã với nhiệm vụ chỉ xoay quanh tuyển dụng, kết nối các nhân sự tại văn phòng. Không những thế, nhóm này còn dễ bị nhân viên thuộc phòng, ban khác “cô lập” vì cho rằng họ là "tay sai", luôn đứng về phía ban lãnh đạo.
Có nhiều lầm tưởng phổ biến trong những cuộc trò chuyện về vị trí quản lý nhân lực, Huffpost đưa tin.
Thực tế, các chuyên viên HR cũng bận rộn với nhiều đầu việc quan trọng cho nhân sự toàn công ty: đào tạo, phát triển chuyên môn, kỹ năng; chăm lo đời sống tinh thần; giải quyết khiếu nại, bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi.
Dưới đây là một số quan điểm sai lệch về vị trí quản lý nhân sự và sự thật về chúng, theo góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Vị trí "cầu nối" dễ khiến HR mang tiếng xấu. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
HR chỉ đứng về phía lãnh đạo
Daniel Space, chuyên gia tư vấn nhân sự lĩnh vực công nghệ - điện tử, thừa nhận từng bị nhiều đồng nghiệp né tránh.
Họ cho rằng ông luôn đứng về phía các quản lý, thay vì thực sự quan tâm đến quyền lợi nhân viên trong các cuộc xung đột, tranh chấp. Đồng thời, cái mác “được thiên vị” luôn đeo bám Space trong suốt quá trình làm nghề.
Thực tế, nhiệm vụ của Space và mọi HR khác là làm cầu nối cho ban lãnh đạo với nhân viên.
Họ chịu trách nhiệm với cả 2 phía chứ không hoàn toàn nghiêng về bên nào. Giao tiếp có kết quả, tập trung vào khả năng cải thiện năng suất chung mới là điều họ hướng đến.
“Nhiều năm đi làm, bên cạnh việc bị nhân viên bộ phận khác e dè, tôi cũng từng bị các quản lý ghét bỏ vì không chịu nghe lời. Một số còn tin HR phải phục vụ trực tiếp, chuyển lời thay họ khi có xung đột nổ ra với nhân viên dưới quyền. Điều này khiến người quản lý nhân lực ở công ty rơi vào khó khăn, mệt mỏi mà khó lòng được thấu hiểu”, Space chia sẻ.
Phòng nhân sự luôn sẵn sàng hỗ trợ khi nhân viên gặp khó khăn liên quan đến công việc. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Chỉ nên liên hệ HR khi nghỉ việc
Tracy Cote, Giám đốc nhân sự của thị trường online StockX, cho rằng phần lớn nhân viên thường né tránh hoặc không quan tâm đến bộ phận HR. Họ mặc định HR thích “làm khó”, xử lý vấn đề rắc rối một cách máy móc và thiếu triệt để.
Do vậy, họ chỉ tìm đến các chuyên viên quản lý nhân lực khi tuyển dụng hoặc chuẩn bị giấy tờ thôi việc.
Trong khi đó, bộ phận này có thể hỗ trợ nhiều thứ khi cá nhân có vấn đề khó khăn liên quan đến đời sống, hoạt động tại doanh nghiệp.
“Thông thường, chúng tôi không được nghe về những thất vọng trong công việc. Mọi thứ chỉ được chia sẻ khi mọi người quyết định rời đi. Dù làm ở vị trí nào, bạn cũng nên lên tiếng góp ý nếu phát hiện điểm nào đó chưa ổn của tổ chức.
Đây là cách hiệu quả nhất giúp cải thiện môi trường làm việc cho chính bạn và đồng nghiệp. Chúng tôi khó lòng sửa chữa, thay đổi gì nếu không biết chúng có vấn đề”, Cote nói.
Nhân viên HR không phải "tổng đài" để chúng ta trút bầu tâm sự. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Tìm đến HR để trút giận
Chăm lo đời sống tinh thần cho nhân viên là nhiệm vụ quan trọng của bộ phận HR.
Tuy nhiên, mọi người có thể mắc sai lầm nếu đến phòng nhân sự để trút bầu tâm sự, tán dóc về hiệu quả công việc, tính cách, thái độ hoặc mối quan hệ của đồng nghiệp.
Huấn luyện viên nghề nghiệp Angela Karachristos, người từng phụ trách vị trí Giám đốc nhân sự ở một công ty tại Mỹ, khẳng định sai lầm trên có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Nếu không sớm nhận ra vấn đề, bạn dễ trở thành kẻ gây phiền phức, làm tốn thời gian của người khác. Chưa kể, câu chuyện phiếm của chúng ta có thể khiến người khác bị liên đới ngoài ý muốn.
Chuyên gia cho rằng mọi người nên trao đổi với quản lý trực tiếp về vấn đề gặp phải, trước khi tìm đến HR. Bước này được lưu ý nhằm hạn chế tình trạng báo cáo vượt cấp, tránh rủi ro không đáng có cho chính mình.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.