Cái làm nên thần thái lạ, độc, hấp dẫn của Người phán xử là dường như những nhân vật giang hồ ngoài đời thật đang “selfie” chính mình với độ nét cao để tạo một câu chuyện hấp dẫn, chứ đây không phải là dạng phim phá án kiểu “Trinh sát kể chuyện” hay “Chuyện cảnh giác”.
Nhưng nó có thật không? NSND Hoàng Dũng gạo cội đến thế, đóng vai gì chẳng được?
Chưa chắc, Phan Quân là một vai khó nhai, từ kịch bản gốc là một ông trùm Do Thái hay đi nhà thờ, đề cao các giá trị gia đình nhưng mang nặng thành kiến chủng tộc, khóc vì opera nhưng lại sẵn sàng ký “án tử” ngay trong nhà hát.
Nhân vật ông trùm của NSND Hoàng Dũng trong phim. |
Còn Phan Quân trong Người phán xử là một ông trùm Việt, chỉ đi Bà Chúa xứ Châu Đốc mỗi năm một lần, không biết opera là gì và chỉ thích nghe cải lương.
Trong phim có đoạn Phan Quân nói với thằng con trai bất trị, ngang ngược Phan Hải: "Những người không cùng dòng máu không là cái gì cả. Mày có mẹ mày, chị gái mày, con trai mày và tao. Thế thôi. Tất cả những đứa khác sẵn sàng đâm sau lưng mày".
Là tôi thấy khi đó Phan Quân có nhiều nét rất giống ông trùm Năm Cam, đa nghi, không tin ai hết, chỉ tin vào mối quan hệ gia đình và chính những người trong gia đình cũng phải thông qua thử thách.
Ông trùm Năm Cam tin tưởng đứa con rể là Hiệp phò mã còn hơn những đứa con ruột vì hầu hết lứa F2 của ông ta đều ngông cuồng, chỉ ngang tầm với mấy gã đi đòi nợ thuê, chỉ biết sử dụng tay chân.
Phan Quân trước khi quyết định vấn đề thường bập thuốc với cái tẩu còn Năm Cam thì vớ điện thoại cầm tay nhưng không gọi. Nó cho thấy sự lưỡng lự, phân vân bên trong cái vẻ ngoài dứt khoát, lạnh tanh trong mọi quyết định, từ “xuống tay” cho đến cắt ngón tay đứa con nuôi.
Có không ít khán giả chê phần mở đầu kỷ niệm 30 năm ngày cưới của Phan Quân và “phu nhân” Hồ Thu (NSƯT Thanh Quý). Họ cho rằng nó quá giống đoạn đầu tác phẩm kinh điển Bố già. Đó là đám cưới của tiểu thư Connie Corleone, con gái ông trùm Vito Corleone.
Theo tôi, tạo ấn tượng về nhân vật chính và những mối quan hệ của họ ngay từ đầu mà một buổi tiệc quy tụ họ hàng đàn em và một vài VIP là hợp lý nhất. Bản thảo tự truyện đã đăng gần 30 kỳ trên báo của tôi cũng mở đầu bằng cảnh ông trùm Năm Cam đi dự đám ma của gia đình một đàn em thân cận.
Việt Anh và NSND Hoàng Dũng phối hợp ăn ý. |
Nói đến đây mới thấy nể diễn xuất của NSƯT Trung Anh trong vai trợ lý ông trùm với tên gọi đặc sệt giang hồ phương Bắc: anh Lương Bồng. Đúng chất “caporegime”, Bồng đa mưu túc trí và luôn kiềm chế, biết hết nhưng kín miệng, chỉ trả lời khi ông trùm hỏi.
Mà không chỉ vậy, “caporegime” còn phải xuống tay lạnh lùng hơn cả sát thủ nữa. Màn cắt ngón tay tên Tuấn con nuôi Phan Quân đã làm cho khán giả không rét mà run. Anh Lương Bồng giống ai vậy?
Câu trả lời là giống hệt Thảo Ma, “caporegime” của ông trùm Năm Cam, người chỉ nói chuyện với vách tường. Thảo Ma có thói quen quay mặt vào tường để nói chuyện điện thoại. Còn thành tích giang hồ của hắn thì cũng rất đáng sợ.
Nhiều khán giả nhận xét các vai đàn em Phan Quân không thật, diễn xuất dở tệ, cứ “phùng mang trợn má” là ra chất giang hồ ư. Ý kiến này mới nghe có vẻ hợp lý nhưng đúng là giang hồ phải “phùng mang trợn má” đấy.
Anh em Tuấn và Tú - cặp đôi sát thủ trong phim - rất giống đám lính của Châu Phát Lai Em, trùm giang hồ chợ cá, từng thâu tóm toàn bộ thị trường hải sản một thời, nay đã bị tử hình vì tội giết người. Chúng còn giống cả trùm giang hồ Bình “Kiểm”.
Nhân vật được bàn cãi nhiều nhất là Phan Hải do Việt Anh thủ vai. Người thì chê hết mực, người thì khen “tẹt ga”. Chính đạo diễn Khải Anh cũng băn khoăn khi giao vai này cho Việt Anh.
“Khi làm việc với Việt Anh, tôi đặt vấn đề về việc làm thế nào để vai Phan Hải thoát khỏi vai Cao Thanh Lâm trong Chạy án. Nhiều lúc, tôi bảo với Việt Anh rằng diễn như thế này là không đúng với nhân vật trong phim. Hai bên đã tranh luận rất nhiều trước khi tìm ra tiếng nói chung.”, nam đạo diễn kể.
Đợi vài tập phim nữa rồi chúng ta sẽ bàn về Hải “thái tử” nhé.