Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu tiếng đồng bộ: Xu hướng mới của phim truyền hình Việt

Với phim lồng tiếng, diễn viên thoại sai một vài từ, khâu hậu kỳ có thể "cứu". Nhưng với phim thu âm đồng bộ, diễn xuất và lời nói của diễn viên phải ăn khớp đến mức hoàn hảo.

Trailer Người phán xử - phim truyền hình thu tiếng đồng bộ Người phán xử là bộ phim truyền hình hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng: Hoàng Dũng, Thanh Quý, Trung Anh, Hồng Đăng.

Trong cuộc họp báo ra mắt phim Người phán xử cách đây không lâu, đạo diễn – NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VTV tự tin cho biết Người phán xử là tác phẩm đạt chuẩn về kỹ thuật và âm thanh, do vậy có thể mở ra hướng xuất khẩu cho phim truyền hình Việt.

“Phim Người phán xử thu tiếng đồng bộ, một tiêu chuẩn mà thế giới đã thực hiện từ lâu, nhưng với phim truyền hình Việt thì lâu lâu mới có. Để làm được điều này, ngoài việc lựa chọn diễn viên rất khắt khe, phim còn có sự tham gia của 3 đạo diễn, cộng với một kịch bản tốt”, nam đạo diễn chia sẻ.

Phim thu tieng dong bo anh 1
Người phán xử là một trong những bộ phim truyền hình hiếm hoi của VFC được thu âm đồng bộ. Ảnh: VFC.

Vai diễn đạt hơn nhờ thu tiếng đồng bộ

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng than thở với người viết rằng câu chuyện về thu âm – lồng tiếng là nỗi trăn trở chung của những người làm phim. Không nhà sản xuất nào muốn tác phẩm của mình được lồng tiếng “mãi mãi” nhưng muốn thu âm đồng bộ, ngoài phim trường chuyên nghiệp cũng cần những diễn viên có chất giọng tốt và không mặc tật phát âm.

Yêu cầu về khả năng của diễn viên trong phim thu tiếng đồng bộ cũng được cho là một trong những lý do khiến Người phán xử quy tụ một dàn diễn viên không thể sáng giá hơn: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hương Dũng, NSƯT Trung Anh, Hồng Đăng, Việt Anh, Bảo Anh, Đan Lê, Thanh Hương.

“Tôi chưa thấy dàn diễn viên nào chuyên nghiệp như vậy. Họ không bao giờ để đạo diễn nhắc về chuyện đi muộn dù chỉ 5 phút”, Khải Anh – một trong 3 đạo diễn của bộ phim khẳng định.

Dù vậy, trao đổi với Zing.vn, NSND Hoàng Dũng cho biết với những phim tiến hành thu tiếng trực tiếp tại phim trường, chuyên nghiệp thôi chưa đủ. Các diễn viên còn cần phải kết hợp ăn nhập và hiểu cái e trong diễn xuất và đài từ của nhau.

“Mỗi diễn viên, mỗi nhân vật có một cái e riêng, không lẫn lộn vào nhau được. Do vậy, nếu bạn thoại một kiểu, tôi thoại một kiểu và không bắt được cái e của nhau thì rất khó làm việc”, nam nghệ sĩ nổi tiếng với những vai ông trùm nhấn mạnh.

Thu tiếng đồng bộ, diễn viên sẽ vất vả hơn ở phim trường nhưng NSND Hoàng Dũng khẳng định đó là xu thế tất yếu. Phim sẽ chân thực hơn vì khi ngữ điệu, lời nói đi kèm với cảm xúc, nét mặt, khán giả sẽ dễ dàng cảm nhận được nội dung. Nhờ đó, vai diễn của diễn viên cũng đạt hơn.

"Tôi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim, với các dạng vai khác nhau. Tôi nghiệm ra một điều, diễn ở phim trường là chủ quan, lồng tiếng là khách quan. Vai diễn có thể sẽ không đạt chỉ vì khách quan. Chính tôi lồng tiếng cho vai của tôi, nhiều khi còn không khớp chứ chưa nói đến người khác lồng cho mình. Do vậy, thu âm đồng bộ là một xu thế tốt", NSND Hoàng Dũng nói.

Phim thu tieng dong bo anh 2
Trước Người phán xử, VFC có phim Mưa bóng mây là một phim thu tiếng đồng bộ, còn các phim khác như Tuổi thanh xuân, Zippo Mù tạt và em đều là phim lồng tiếng. Ảnh: VFC.

Diễn viên phải rèn luyện cả hình lẫn tiếng

Thanh Hương, người đóng vai con gái ông trùm Phan Quân trong Người phán xử khẳng định thu tiếng đồng bộ không phải là chuyện đơn giản. Diễn viên vừa phải kiểm soát được giọng nói vừa phải bắt được mạch diễn xuất. Và nếu thoại sai dù chỉ một từ cũng phải quay lại cả đoạn.

“Với phim lồng tiếng, khi diễn viên thoại sai một vài từ, người lồng tiếng có thể chữa cháy. Nhưng với phim thu âm đồng bộ thì diễn xuất và lời nói của diễn viên đều phải đạt mức hoàn hảo. Có như vậy nhân vật của mình mới gây được ấn tượng cho khán giả”, nữ diễn viên quả quyết.

Thanh Hương cũng cho biết phim thu âm đồng bộ thì diễn viên là người chủ của vai diễn với cả diễn xuất và lời thoại. Còn phim lồng tiếng thì diễn viên chỉ được đảm nhận 50% sáng tạo, còn 50% còn lại thuộc về người lồng tiếng.

“Vinh dự hơn nhưng cũng áp lực hơn. Bạn không thể chỉ tập trung vào diễn xuất và phó mặc lời thoại cho người lồng tiếng và khâu hậu kỳ. Với phim thu tiếng trực tiếp tại trường quay, bạn phải học cách làm tốt cả hai thứ cùng một lúc. Điều đó cũng giúp diễn viên chuyên nghiệp hơn”.

"Đài từ" là thuật ngữ chỉ cách nói, cách phát âm liên quan đến khẩu hình và chất giọng của người nói. Trong Đại học Sân khấu - Điện ảnh có môn học Đài từ.

Trao đổi với phóng viên, Thanh Hương cũng cho biết đài từ là yêu cầu bắt buộc phải có đối với diễn viên khi phim thu tiếng đồng bộ. Đài từ phải hoàn toàn tự nhiên, như đời sống thật. Và muốn như vậy, người nghệ sĩ phải khổ luyện.

“Đường hình và đường tiếng phải đồng bộ với nhau. Không thể một nhân vật nam mạnh mẽ lại có giọng the thé. Và một nhân vật nữ sang trọng lại nói giọng địa phương. Muốn vậy diễn viên phải rèn luyện”, người thủ vai con gái Phan Quân nhấn mạnh.

Thanh Hương cũng tiết lộ với những diễn viên xuất thân từ môi trường sân khấu như cô, có thể dễ dàng bắt nhịp môi trường của thu tiếng đồng bộ. Nhưng lợi thế cũng thường đi liền với yếu điểm.

“Sân khấu kịch luôn thoại trực tiếp. Do vậy, khi bước sang phim truyền hình, có thể chúng tôi sẽ ít bỡ ngỡ hơn. Nhưng không phải là không có khó khăn. Diễn viên sân khấu rất dễ bị kịch khi đóng phim. Do vậy, tôi đã phải tiết chế, điều chỉnh và học hỏi những nghệ sĩ xung quanh rất nhiều”, nữ diễn viên nói thêm.

Đạo diễn Khải Anh, một trong 3 đạo diễn của Người phán xử chia sẻ về thu tiếng đồng bộ:

"Tôi thiên về tự nhiên và những cái gì vốn có của một con người, trừ khi diễn viên không có khả năng nói hoặc ngôn ngữ bị hạn chế, đành phải chấp nhận. Nếu diễn viên có giọng nói, kể cả giọng chưa thực sự chuẩn xác về phát âm, chúng tôi vẫn để nguyên vì đó là sự chân thật và gần gũi.

Quan niệm của tôi là cái gì càng gần với tự nhiên, với đời sống của con người, sẽ càng được yêu thích. Và một trong những yếu tố làm nên thành công của bộ phim chính là cảm giác gần gũi mà người xem có thể cảm nhận được từ tác phẩm trên màn ảnh nhỏ".

Đạo diễn Khải Anh: 'Khán giả sẽ quên Đan Lê là vợ tôi'

Nam đạo diễn sinh năm 1982 cho biết diễn xuất của Đan Lê trong phim truyền hình “Người phán xử” sẽ chứng tỏ được rằng anh không hề ưu ái vai diễn cho vợ.



Quang Đức

Bạn có thể quan tâm