Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ phố về quê làm trang trại sau 5 năm ở Đà Lạt

Công việc kinh doanh bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, vợ chồng anh Hiếu rời Đà Lạt về quê Đồng Nai trồng trọt, chăn nuôi. Sau một năm, họ không còn muốn trở lại thành phố.

Gần một năm kể từ khi quyết định trở về làm nông nghiệp bền vững ở khu vườn nhỏ dưới chân núi Mây Tàu (Đồng Nai), anh Bùi Hồ Anh Hiếu (30 tuổi) đã quen với không gian yên tĩnh, không khí trong lành và lối sống lành mạnh.

Từ kinh doanh dịch vụ chuyển sang làm nông nghiệp, anh Hiếu gặp không ít khó khăn ban đầu. Nhưng bù lại, anh trở nên thong thả, dành thời gian quan tâm người thân và nấu ăn thường xuyên hơn.

“Vợ chồng mình đồng ý rằng tiền bạc quan trọng nhưng thời gian ở bên nhau, cùng chăm sóc những điều yêu thương thì không gì có thể đánh đổi”, anh Hiếu nói với Zing.

Bo pho ve que lam trang trai sau 5 nam o Da Lat anh 1

Vì dịch bệnh, anh Hiếu rời thành phố lớn để về quê phát triển nông nghiệp.

Nhịp sống đảo lộn

Trước đây, anh Hiếu sống ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 5 năm. Anh từng làm việc cho công ty nông nghiệp công nghệ cao rồi xin nghỉ do không hợp với môi trường gò bó thời gian.

Sau đó, vợ chồng anh Hiếu mở homestay khi phong trào này còn mới. Trở về từ chuyến đi Chiang Mai (Thái Lan), nhận thấy mô hình cà phê kiểu Hàn còn mới ở Việt Nam, hai người mở thêm quán cà phê.

Hai mô hình đều hoạt động khá tốt và đủ khả năng mở rộng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập tới khiến ngành dịch vụ ngưng trệ, vợ chồng anh Hiếu buộc phải đóng cửa.

“Việc đóng cửa rồi mở lại kinh doanh cầm chừng trong hơn một năm khiến vợ chồng mình khá mệt mỏi. Đầu năm 2021, khi dịch bùng phát lần 3, gia đình mình gồm 2 người, 4 chó, 4 mèo kéo nhau về quê trú ẩn. Thật may là khu vườn của ba mẹ vẫn đang để hoang”, anh nói.

Mảnh đất 5 ha này được cha mẹ anh Hiếu mua cách đây gần 12 năm, khi con trai chuẩn bị đi học ngành bác sĩ thú y ở TP.HCM. Họ mong muốn anh Hiếu học xong sẽ trở về tiếp tục công việc chăn nuôi của gia đình. Tuy nhiên, anh lại quyết định đi làm trái ngành một thời gian.

Bản thân anh Hiếu trước đây cũng không quan tâm nhiều đến nông nghiệp, cho đến khi đọc được cuốn sách khiến thế giới quan anh thay đổi.

“Ngày đó, cây cao su là ‘vàng trắng’ nên nhà mình cũng không ngoại lệ. Không may là giá cao su hạ nhiệt khiến mảnh đất của ba mẹ gần như bị bỏ hoang nhiều năm, hàng xóm gần nhất cũng cách khoảng 300 m. Do không có bàn tay người chăm sóc và tác động hóa học, đất đạt chuẩn hữu cơ theo cách tự nhiên nhất”, anh kể.

Sau một năm vợ chồng anh Hiếu tiếp quản, phần diện tích cao su được đốn hạ bớt, tạo thêm hồ thu gom nước, rãnh thoát. Hai người trồng thêm chuối, chanh, quất, bơ, sầu riêng và các loại cây ngắn ngày như ớt, gừng, sả. Trong vườn, một số thực vật bản địa tự tái sinh như lá giang, hà thủ ô, nhân trần hay sương sâm cũng nhiều.

Thay đổi

Từ khi bỏ phố về rừng, anh Hiếu nhận thấy cuộc sống của vợ chồng anh khác trước rất nhiều.

“Ngành dịch vụ có ưu điểm là giúp tụi mình tiếp xúc với rất nhiều người, có thêm bạn bè mới. Tuy nhiên, việc kinh doanh dồn vào những dịp cuối tuần hay lễ, Tết nên nhịp sống cũng bị đảo lộn. Nhiều hôm ăn cũng không có thời gian, phải thức đợi khách check-in hay đóng cửa quán trễ rồi dọn dẹp tới 1-2h sáng. Khi mọi người đi chơi hay về bên gia đình lại là thời gian tụi mình làm việc nhiều nhất. Bởi vậy, so với lúc ở Đà Lạt, giờ tụi mình có phần nhàn hơn nhiều”, anh kể.

Ban đầu, vợ chồng anh Hiếu không chịu được thời tiết nóng nực dưới xuôi. Nhưng dần dần, sự yên tĩnh, không khí trong lành và lối sống lành mạnh ở đây khiến họ suy nghĩ lại.

Hiện tại, vợ chồng anh Hiếu tự cung cấp gần như mọi thứ cho bữa ăn hàng ngày, từ rau, thịt, trứng đến gia vị. Khi thực phẩm sạch ở trang trại trở nên dư thừa, họ cũng nghĩ đến việc bán để tăng thu nhập.

“Hàng ngày, xung quanh tụi mình có chó, mèo, gà, vịt, cây cối, chim chóc và thỉnh thoảng là rắn rết ghé qua. Đồng ý rằng tiền bạc rất quan trọng, nhưng thời gian ở bên nhau, cùng chăm sóc những điều yêu thương thì không gì có thể đánh đổi. Có lẽ hậu dịch, tụi mình sẽ tiếp tục làm việc ở trang trại”.

Anh Hiếu có nhiều bạn bè mong muốn trở về quê sinh sống nên anh thường rủ họ xuống chơi. Tuy nhiên, anh cho rằng cuộc sống ở quê, nhất là nơi hẻo lánh như tại đây, không giống như nhiều người tưởng tượng.

“Từ khi bắt đầu về, mình phải làm mọi thứ như liên hệ bên điện lực để kéo điện, khoan giếng mới có nước sử dụng vì mùa khô giếng đào không đủ cung cấp. Chuyện muỗi mòng, rắn rết, côn trùng là thường ngày. Chưa kể mọi người sống ở thành phố sẽ không quen với việc xung quanh không có nhà ở, tự túc mọi thứ. Bởi vậy, nếu bạn nào quan tâm đến bỏ phố về rừng, mình khuyên nên thử trải nghiệm ở vài nơi ít lâu trước khi đưa ra quyết định để tránh mất tiền bạc, công việc vô ích”, anh nói.

Bỏ phố về quê, từ gõ máy tính chuyển sang làm nông

Trong 2 năm biến động vì dịch bệnh, nhiều người rời bỏ cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố để về vùng quê yên bình. Không ít cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục hậu Covid-19.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm