Thông báo trả lương sau Tết của công ty là tin “sét đánh ngang tai” đối với Hồng Vân (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Như vậy, Vân không chỉ nhận “0 đồng thưởng Tết”, mà còn bị nợ lương hơn một tháng. Trong khi đó, số dư tài khoản vỏn vẹn 3 triệu đồng khiến nhân viên văn phòng này hoang mang.
Cuối cùng, cô quyết định về quê ăn Tết sớm từ Rằm tháng Chạp (tức ngày 25/1) để bố mẹ “bao nuôi”, tiết kiệm tiền ăn uống, điện nước cho đến hết lễ. Cô nộp đơn xin làm việc từ xa. Tuy có đôi lời phàn nàn, cấp trên cũng xét duyệt cho cô.
“Vì không thể trả lương trước Tết Âm lịch, sếp tôi khó lòng giữ chân nhân sự tại văn phòng đến sát kỳ nghỉ”, Hồng Vân nói với Tri thức - ZNews.
Nhiều nhân sự trở về quê sớm, xin phép làm việc tại nhà để tiết kiệm sinh hoạt phí ở đô thị. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Hồng Vân không phải trường hợp ngoại lệ. Nhiều người trẻ cũng quyết định “bỏ phố về quê” sớm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn để tiết kiệm "đồng nào hay đồng đó".
Họ muốn né tránh các buổi tiệc tùng của bạn bè, đồng nghiệp, hoặc cắt giảm sinh hoạt phí đắt đỏ ở thành thị. Một số người cũng nhận thấy dịch vụ làm đẹp, hay việc mua sắm Tết ở quê nhà sẽ có giá cả phải chăng hơn.
Trong khi đó, cấp quản lý bày tỏ sự lo ngại về tiến độ công việc khi nhiều nhân sự muốn về quê ăn Tết sớm. Thế nhưng, do không thể cung cấp đầy đủ phúc lợi tài chính cuối năm, họ đành chấp nhận yêu cầu của nhân viên.
Đổ xô về quê sớm
Trước kỳ nghỉ Tết 12 ngày, Trung Trần (25 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) sắp xếp quần áo, đồ dùng cá nhân vào vali, chuẩn bị lên chuyến xe khách về quê đón Tết sớm hơn dự định.
Chỉ nhận 50% lương tháng thứ 13 và không có thưởng, nam nhân viên văn phòng lo lắng khi bạn bè rủ rê tham gia tiệc tùng. Anh đành trở về quê nhà ở Nam Định sớm, lấy lý do dành thời gian cho gia đình để “trốn” các cuộc vui.
Những buổi tiệc kéo dài 2-3 tăng thường ngốn của Trung ít nhất 2 triệu đồng/bữa. Chỉ cần góp mặt trong 3 buổi tiệc như vậy, anh sẽ vứt nửa tháng lương thứ 13 “qua cửa sổ”.
“Tỉnh dậy sau mỗi buổi nhậu nhẹt, tôi đều hối hận vì khoảnh khắc rút thẻ, quẹt thanh toán đêm hôm trước”, Trung Trần chia sẻ.
Công tác trong môi trường hybrid (kết hợp làm việc từ xa và tại văn phòng), Trung không gặp khó khăn với quyết định rời phố thị, về quê sớm. Anh chỉ cần đăng ký số ngày làm việc tại nhà với lãnh đạo, sau đó yên tâm đặt vé xe khách chuyến sớm nhất về nhà.
Mỹ Lan sắm sửa trang phục, nối mi, làm móng tại quê nhà Cần Thơ để tiết kiệm ngân sách. |
Tương tự, Mỹ Lan (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), freelancer lĩnh vực truyền thông, cũng trở về quê nhà Cần Thơ trước kỳ nghỉ lễ 10 ngày. Sau 4 năm đi làm, đây là cái Tết đầu tiên cô về thăm gia đình sớm như vậy.
Trước sự bất ngờ của bố mẹ, Mỹ Lan giải thích rằng cô muốn làm đẹp, mua sắm tại quê nhà để tiết kiệm chi phí do tổng thu nhập năm nay thấp hơn năm ngoái 30%.
Làm công việc tự do, Lan không có lương tháng thứ 13, thưởng KPI. Mọi năm, cô thường sử dụng khoản thu từ các dự án Tết để chi tiêu dịp cuối năm. Tuy nhiên, tình trạng thất thu mùa lễ hội năm nay khiến ngân sách của Mỹ Lan sụt giảm đáng kể.
Không thể kham nổi chi phí sắm váy áo, nhuộm tóc tại TP.HCM, cô trở về Cần Thơ để “tân trang”.
“Tôi chỉ tốn 150.000 đồng làm nail và 800.000 đồng ‘đảo ngói’. Nếu làm đẹp ở thành phố, tôi phải chi số tiền gấp đôi, gấp ba”, Lan nói.
Ngoài ra, khi mua sắm tại quê nhà, cô gái trẻ cũng nhận thấy giá thành váy áo chỉ bằng 1/2 mẫu tương tự được bày bán ở TP.HCM. Mỹ Lan ước tính tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng nhờ quyết định về quê sắm Tết, làm đẹp.
Theo báo cáo về Tết Nguyên đán 2024 của Adtima, 2 nỗi lo lớn nhất của những người tham gia khảo sát là “tốn kém nhiều tiền để mua sắm Tết” và “chi phí dịch vụ tăng cao mất kiểm soát”. Trong khi 50% người được hỏi ái ngại vấn đề thứ nhất, 38% lo lắng về vấn đề thứ hai.
Quản lý vừa thấu hiểu vừa lo lắng
Ngay sau khi thông tin không có thưởng Tết được đưa ra, trưởng phòng kinh doanh Thảo Đặng (33 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lập tức nhận được 3 email xin nghỉ lễ sớm, đăng ký làm việc từ xa của nhân viên.
Dưới góc độ quản lý, Thảo Đặng nhận thấy khó giữ nhân sự tại văn phòng khi không thể đáp ứng đầy đủ phúc lợi tài chính. Hiểu rằng quyết định về quê sớm giúp người lao động tiết kiệm chi phí sinh hoạt mùa lễ hội, trưởng phòng kinh doanh “tặc lưỡi” phê duyệt.
Tuy nhiên, Thảo Đặng đặc biệt lo lắng về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các nhân viên này. Nếu các nhân sự làm việc từ xa “chậm deadline”, tiến độ công việc của cả phòng sẽ bị ảnh hưởng.
Quản lý lo lắng nhân viên làm việc riêng, không tập trung hoàn thành nhiệm vụ khi về quê sớm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Không muốn tình trạng này xảy ra, Thảo Đặng xây dựng bảng KPI chi tiết cho từng cá nhân, đưa ra một số hình thức phạt, kỷ luật nếu nhân viên không hoàn thành. Ngoài ra, cô cũng yêu cầu cấp dưới truy cập vào máy tính công ty để làm việc thông qua ứng dụng hỗ trợ từ xa.
Quy định này giúp quản lý dễ dàng kiểm tra tiến độ công việc, thời gian làm việc thực tế của nhân viên.
“Nhiều nhân sự của tôi bất đồng với nội quy chặt chẽ này. Song, họ vẫn chấp nhận đánh đổi để ‘khăn gói quả mướp’ về quê sớm”, trưởng phòng kinh doanh Thảo Đặng chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.