Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ Tết cổ truyền là 'hùa' theo Tây

PGS.TS Hà Đình Đức khẳng định giữ Tết cổ truyền không ảnh hưởng hội nhập thế giới và sinh hoạt của người dân.

PGS.TS Hà Đình Đức - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - là nhà nghiên cứu rùa hồ Gươm và văn hóa Hà Nội.

Ông là thành viên của tổ chức quốc tế về bảo vệ các loài động vật, thực vật quý hiếm; ủy viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Giữ Tết cổ truyền không ảnh hưởng hội nhập

Trong guồng tranh luận về việc giữ hay bỏ Tết cổ truyền, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết Tết Nguyên đán gắn bó lâu đời với dân tộc, bao gồm các hoạt động văn hóa trước, trong và sau Tết. Đây là ngày lễ thiêng liêng, quan trọng nhất của người dân Việt Nam.

Việc chuyển đổi ngày Tết là điều hệ trọng, không thể tùy tiện quyết định, cũng không gói gọn trong suy nghĩ đơn giản là “tốn kém” một vài ngày nghỉ.

Bo Tet co truyen anh 1
PGS Hà Đình Đức. Ảnh: VTC News.

Theo PGS Hà Đình Đức, phần lớn người có ý kiến gộp Tết cổ truyền vào Tết Dương lịch đều làm việc trong ngành kinh doanh, muốn hòa chung cùng guồng thế giới. Nhưng đất nước Việt Nam đâu phải ai cũng làm kinh doanh? Vì vậy, không thể vì lợi ích cá nhân, "hùa" theo Tây mà bỏ ngày Tết, bỏ đi truyền thống.

Luận bàn lý do không thể bỏ Tết cổ truyền, PGS Hà Đình Đức nêu ví dụ nếu gộp Tết, chúng ta sẽ chuyển ngày ông Công ông Táo thành 23/12 dương lịch, trước lễ Giáng sinh một ngày.

Cộng đồng mạng đang tranh luận việc gộp Tết cổ truyền với Tết Tây để hội nhập và tránh lãng phí về thời gian, tiền bạc và tăng năng suất lao động.

Bạn đọc có thể gửi ý kiến để thảo luận về chủ đề này về địa chỉ email: Songtre@zing.vn.

Cho rằng điều đó vô lý, ông Đức bày tỏ quan điểm: Để hội nhập và đưa đất nước phát triển cần có những nhà hoạch định chính sách, nền khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Ông khẳng định việc giữ nguyên Tết cổ truyền không ảnh hưởng hội nhập và sinh hoạt của người dân.

Chẳng hạn, nông dân thường xuống đồng từ mùng 2 Tết để đảm bảo năng suất, nếu không sẽ “mất mùa cả năm”. Học sinh, sinh viên, ngoài nghỉ Tết, còn có kỳ nghỉ hè kéo dài. Nghỉ Tết sẽ có những nơi nhậu nhẹt, cờ bạc nhưng không phải số đông.

Để biết ngày Tết có thực sự tồn tại trong trái tim người dân đất Việt, PGS Hà Đình Đức đề xuất thực hiện cuộc điều tra xã hội học ở thành phố lớn và nông thôn để thấy tiếng nói chung.

Bỏ Tết cổ truyền để hội nhập thế giới?

Dưới góc nhìn của một du học sinh nhiều năm ở nước ngoài, Ngô Di Lân cho rằng việc bỏ Tết cổ truyền là điều không nên làm, bởi đây là dịp lễ hiếm hoi để sum họp gia đình, bè bạn.

Giới trẻ không bất hiếu khi du lịch Tết

PGS Hà Đình Đức nhận định Tết cổ truyền với nhiều hoạt động phong phú, mang ý nghĩa chứ không “nhạt nhẽo”.

Bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, các gia đình thường làm cơm cúng, tiễn đưa ông Táo về trời. Khoảnh khắc giao thừa là thời điểm thiêng liêng, người dân cầu mong những điều tốt đẹp nhất năm mới.

Ngày Tết đến với “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Sau Tết, các lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc diễn ra ở khắp vùng miền.

Bo Tet co truyen anh 2
Bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng luôn có Tết trong tiềm thức. Ảnh: Reuters.

 

Vị PGS ngoài 70 tuổi cho biết không khí và dư vị Tết quê vẫn in sâu trong tâm trí ông. Học xa nhà 40 km từ năm lớp 7, thời niên thiếu, ông chỉ mong đến dịp Tết để đoàn tụ cùng gia đình, có manh áo mới và được nhận lì xì.

Sau này, khi trưởng thành và làm việc tại Hà Nội, năm nào, ông Đức cũng về quê đón Tết. 

Ông cũng chia sẻ một bộ phận giới trẻ ngày nay có xu hướng đi du lịch vào dịp Tết. Có ý kiến cho rằng Tết không về quê với ông bà, bố mẹ, tổ tiên là bất hiếu. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng nhận định như vậy cũng hơi quá. Chúng ta cũng nên có cái nhìn rộng mở hơn với xu thế thời đại.

> Chủ đề: Tranh luận bỏ Tết cổ truyền

'Nghỉ Tết và năng suất làm việc thấp không liên quan nhau'

Ăn hai cái Tết, nghỉ hai cái Tết liền tù tì có nhiều quá không, trong khi năng suất lao động thấp?


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm