Nhiều người trẻ Hàn Quốc vẫn cần sự trợ giúp kinh tế từ gia đình dù đã bước vào tuổi trưởng thành. Ảnh minh hoạ: @doobydobap. |
Kim Young-joon (30 tuổi, Hàn Quốc) liên tục tranh cãi với bố mẹ vì những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Dù có bằng thạc sĩ, anh từ chối lời mời làm việc, cảm thấy công việc đó không phù hợp với trình độ học vấn của bản thân. Từ đó, anh thất nghiệp và ở với gia đình.
“Bố mẹ cảm thấy căng thẳng khi thấy tôi ở nhà cả ngày lẫn đêm, vô tình làm tổn thương tôi. Do đó, tôi thường phản ứng thái quá khi nhìn thấy họ”, Kim tâm sự.
Anh cũng lo lắng rằng khi tuổi tác tăng lên, cơ hội việc làm giảm đi. Khi đó, sự độc lập về mặt tài chính càng trở nên khó khăn.
Kim Young-joon nằm trong 2/3 người trẻ Hàn Quốc (ở độ tuổi 25-34) sống cùng cha mẹ hoặc ở riêng nhưng không có sự độc lập về kinh tế. Họ được gọi chung là “bộ tộc kangaroo”, ám chỉ quyết định sống trong sự bảo vệ, bao bọc của gia đình, theo SCMP.
Nhiều người trẻ từ 25-43 tuổi tại Hàn Quốc sống cùng cha mẹ, chưa độc lập về mặt kinh tế. Ảnh minh hoạ: Bloomberg. |
"Thế hệ kangaroo" trở thành mối nguy đối với nền kinh tế quốc gia. Ảnh minh hoạ: Pexels/Ketut Subiyanto. |
Mối nguy đối với nền kinh tế quốc gia
Theo một nghiên cứu được Dịch vụ thông tin việc làm Hàn Quốc thực hiện vào năm 2020, 66% người trưởng thành Hàn Quốc ở độ tuổi 25-34 nằm trong nhóm này.
72,2% người lao động làm công việc tạm thời, bán thời gian, không kiếm đủ tiền để chi trả sinh hoạt phí, cho biết chưa thể chuyển ra khỏi nhà bố mẹ.
Một số khác chia sẻ rằng họ sống cùng gia đình vì quyết định học cao học và hoàn thành nghĩa vụ quân sự trước khi ổn định việc làm.
Theo The Korea Times, “bộ tộc chuột túi” không chỉ gây tổn hại đến các hộ gia đình mà còn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia.
“Chi phí để đối phó với ‘bộ tộc chuột túi’ tăng lên khi những cá nhân này già đi và cha mẹ của họ đến tuổi nghỉ hưu. Cuối cùng, chính phủ sẽ phải ra tay cứu trợ những công dân trên”, Jeon Young-soo, giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Hanyang, cho biết.
Jeon Young-soo đề xuất rằng các bậc cha mẹ nên ngừng hỗ trợ tài chính khi con cái đến độ tuổi trưởng thành.
“Những cá nhân này cần tìm mọi cách để tồn tại, vượt qua các thách thức kinh tế”, Jeon nói.
Người lớn tuổi tại Hàn Quốc sẵn sàng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho các cháu, hỗ trợ nuôi dạy thế hệ trẻ. Ảnh minh hoạ: Pexels/Ketut Subiyanto. |
Phụ thuộc vào ông bà
Theo dữ liệu do công ty Shinhan Card thuộc Ngân hàng Shinhan công bố vào ngày 6/6, nhiều ông bà ở Hàn Quốc dành thời gian và tiền bạc cho các cháu.
Những người từ 60 tuổi trở lên thường xuyên đến các quán cà phê dành cho trẻ em hoặc sân chơi trong nhà. Tỷ lệ người lớn tuổi ghé thăm các địa điểm này tăng 80% trong năm 2023 so với năm 2019.
Trong cùng kỳ, số lượng ông bà đến bệnh viện nhi tăng 59%. Chi tiêu của họ dành cho tài liệu học tập dành cho trẻ em cũng tăng vọt ở mức 115%.
“Nhiều người cao tuổi thuộc thế hệ Baby Boomer, ổn định về mặt tài chính, sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc cho các cháu khi lên chức ông bà”, đại diện Shinhan Card cho biết.
Nhiều bậc phụ huynh cũng cho thấy sự phụ thuộc lớn vào ông bà trong việc nuôi dạy con cái khi chi phí sinh hoạt, lạm phát tăng cao.
Năm 2023, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc chiếm 18,4% dân số của quốc gia này. Xã hội này sẽ trở nên siêu già vào năm 2025 khi nhóm đối tượng trên chiếm đến 20% tổng dân số.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.