Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng cao cấp Singapore kêu gọi chú trọng đào tạo nghề

Bộ trưởng cao cấp Singapore, người từng đứng đầu ngành giáo dục nước này, cho rằng việc thiên vị đại học gây ảnh hưởng xấu. Đất nước cần chú trọng hơn vào đào tạo nghề.

Ông Tharman Shanmugaratnam là Bộ trưởng cao cấp Singapore, đồng thời là Bộ trưởng Điều phối Chính sách Xã hội. Ông cũng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục từ năm 2003 đến 2008 và từng là phó thủ tướng Singapore.

Nắm rõ vấn đề trong giáo dục đào tạo, thị trường nhân lực và chính sách xã hội, tại diễn đàn kinh tế do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức ở Mỹ hồi tháng 5, ông đặt ra vấn đề về việc thúc đẩy đào tạo nghề.

Xã hội thiên vị giáo dục đại học

Theo Straitstimes, ông Tharman Shanmugaratnam cho rằng nhiều nước đang trả lương cho người lao động có bằng đại học cao hơn, bất chấp thực tế khoảng 25% trong số họ không xứng đáng với mức lương đó.

dao tao nghe o singapore anh 1
Bộ trưởng cao cấp Tharman Shanmugaratnam cho rằng các nền kinh tế tiên tiến cần chú trọng đào tạo nghề hơn. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore.

Theo ông, sự bất hợp lý này khiến nhiều học sinh cố vào đại học sau khi tốt nghiệp đại học. Nó cũng cần tới tình trạng năng lực nhân lực và nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, ông kêu gọi xóa bỏ chênh lệch tiền lương và tập trung hơn vào giáo dục nghề nghiệp trong các nền kinh tế tiên tiến.

Trong khi đó, tại Mỹ, khoảng 40% sinh viên đại học không thể nhận bằng trong vòng 6 năm học. Tỷ lệ người cầm bằng cử nhân rồi chọn công việc không cần bằng cấp cũng ở mức cao. 

"Vấn đề không ở chỗ người trẻ nên học lên đại học hay chỉ cần bằng trung học. Câu hỏi đặt ra là loại hình giáo dục sau trung học nào mới phù hợp và mang lại lợi ích cho người học", Bộ trưởng Tharman nói.

Để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng các nước cần tập trung hơn vào giáo dục nghề nghiệp - lối đi khác để phát triển kỹ năng mềm, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, năng lực hòa nhập với các nền văn hóa.

"Chúng ta đã quá thiên vị giáo dục đại học. Giờ chúng ta cần cân bằng lại", ông kêu gọi.

Bộ trưởng cao cấp cũng đề cập việc ông đã chứng kiến người trẻ ở nhiều nước làm việc trong các phòng thí nghiệm, hội thảo về đào tạo, cách họ thích nghi với những điều mới lạ.

Điều này khác hẳn việc đọc một cuốn tiểu thuyết mới. Nó phát triển nhiều kỹ năng khác nhau. Vì thế, người làm giáo dục cần giúp thế hệ trẻ phát triển năng lực, để họ thích nghi với các đổi thay trong đời sống. 

Ông khuyến khích các nước làm điều đó thông qua giáo dục mang tính ứng dụng, cụ thể là đào tạo nghề. Loại hình đào tạo này hoàn toàn không thua kém mô hình giáo dục khai phóng.

Thay đổi tư duy

Ngoài ra, ông Tharman Shanmugaratnam đề nghị thị trường lao động cũng cần thay đổi phương thức tuyển dụng, tập trung nhiều hơn vào năng lực, kỹ năng của ứng viên thay vì bằng cấp.

dao tao nghe o singapore anh 2
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Singapore phát triển, giúp nước này có nguồn nhân lực tay nghề cao. Ảnh: Straitstimes.

Bộ trưởng Tharman lấy ví dụ về công ty khởi nghiệp GapJumpers ở thung lũng Silicon (Mỹ). Họ đã phát triển hệ thống "tuyển dụng mù". Theo đó, công ty đăng các bài thử thách năng lực ứng viên lên mạng rồi chọn những người có điểm cao nhất để tiến hành phỏng vấn. Như vậy, trước khi nắm sơ qua năng lực của một người, GapJumpers không quan tâm họ là ai, xuất thân từ tầng lớp nào hay bằng cấp ra sao.

"Chúng ta cần suy xét phương thức tuyển dụng này, trước hết để giảm tính thiên vị trong tiếp nhận nhân lực cho thị trường lao động. Thứ hai, nó giúp kết nối tốt hơn giữa cung và cầu so với cách làm phổ biến hiện nay", ông nói.

Thông tin từ website truyền thông của chính phủ Singapore cho hay từ thập niên 50 của thế kỷ trước, giáo dục dạy nghề bắt đầu phát triển ở Singapore do kinh tế chuyển hướng từ đa dạng hóa thương mại sang công nghiệp định hướng xuất khẩu. Giáo dục kỹ thuật được mở rộng.

Nhưng đến cuối thập niên 60, giáo dục nghề nghiệp rơi vào vùng trũng. 92% học sinh học lên đại học, 2% trực tiếp tham gia thị trường lao động và chỉ 6% chọn học nghề.

Để giải quyết tình trạng mất cân đối này, chính phủ Singapore đưa ra các biện pháp tổ chức lại, thúc đẩy công tác dạy nghề. Một trong những biện pháp đầu tiên là hướng nghiệp từ bậc phổ thông. Dạy nghề cũng được đưa vào từ trung học. Vẽ kỹ thuật, cơ khí, điện trở thành môn bắt buộc đối với toàn bộ nam sinh và 50% nữ sinh (số còn lại học về kinh tế).

Chương trình giáo dục sửa đổi này giúp học sinh hiểu biết cơ bản và có hứng thú với nghề nghiệp cụ thể. Nhờ đó, đến năm 1972, 20% học sinh chọn theo học nghề.

Năm 1973, Singapore thành lập Hội đồng Đào tạo Công nghiệp (ITB). Hội đồng này đưa ra hệ thống nhận diện kỹ năng thống nhất theo 3 cấp độ (thợ thủ công, kỹ thuật viên và thợ bậc thầy).

ITB cũng đưa ra chương trình học việc cho phép người học tham gia đào tạo năm đầu tại trường nghề và đào tạo tại chỗ trong hai năm tiếp theo, giúp họ vừa học vừa có thu nhập để có thể tiếp tục nhận sự đào tạo, trở thành công nhân lành nghề.

Năm 1979, Hội đồng Đào tạo Nghề và Công nghiệp thành lập trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Đào tạo Công nghiệp và Hội đồng Giáo dục cho người lớn (VITB). VITB cho phép người lao động có thể tiếp tục học lên để nâng cao tay nghề.

Cùng đó, mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp được thắt chặt. Công ty có thể gửi công nhân về trường để đào tạo thêm hoặc tài trợ để trường đào tạo ngành họ cần nhân lực.

dao tao nghe o singapore anh 3
Singapore chú trọng học tập suốt đời, khuyến khích người lao động theo học các trường nghề để có thể kỹ năng, thích nghi với nhu cầu mới của thị trường. Ảnh: Zainalandzainal.

Đến năm 1990, Singapore thực hiện chương trình phổ thông 10 năm bắt buộc nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức vững chắc hơn để có thể dễ dàng đào tạo lại người lao động. Chương trình kỹ thuật được giới thiệu ở trường trung học để lựa chọn và định hướng những học sinh muốn theo trường nghề.

Năm 1992, VITB được nâng cấp thành Viện Giáo dục Kỹ thuật (ITE), cung cấp các khóa dạy nghề cao cấp hơn. Đương nhiên, họ vẫn gặp khó khăn do tư duy trường nghề chỉ dành cho học sinh kém.

Để thay đổi tư duy người học, ITE đầu tư phát triển hạ tầng, đội ngũ giảng viên, thương hiệu. Đến năm 2002, nước này có 5 trường kỹ thuật với quy mô lớn, cho người học nhiều lựa chọn hơn, liên quan đến lĩnh vực dịch vụ như bán lẻ và khách sạn, thể thao và giải trí hay lĩnh vực sáng tạo với thiết kế, truyền thông, làm phim.

Đến nay, giáo dục nghề nghiệp ở Singapore phát triển không ngừng, song song với giáo dục đại học. Nước này cũng khuyến khích người dân học tập suốt đời, thúc đẩy người lao động không ngừng học tập cái mới để đáp ứng yêu cầu mới của công việc.

Chàng trai giành giải bạc kỳ thi tay nghề thế giới 2019

Trương Thế Diệu (22 tuổi, Nghệ An) nhận Huân chương Lao động hạng nhì sau khi giành giải bạc nội dung nghề phay ở kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.

Bách Linh

Bạn có thể quan tâm