Ngày 16/11, Trương Thế Diệu được trao Huân chương Lao động hạng nhì tại diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", diễn ra tại Hà Nội. Thế Diệu cho hay em rất vinh dự và tự hào khi nhận được phần thưởng quý giá này.
Sau khi giành giải bạc, Trương Thế Diệu được trao Huân chương Lao động hạng nhì. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. |
Sớm lựa chọn học nghề
Trương Thế Diệu là học viên Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso (Công ty TNHH DENSO Việt Nam), sinh viên Cao đẳng Bách khoa Hà Nội, tham dự kỳ thi tay nghề thế giới tại Kazan, Nga từ ngày 16 đến 28/8.
Vượt qua đại diện của 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thế Diệu giành huy chương bạc môn nghề phay CNC. Đây là thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam trong 7 lần tham dự kỳ thi tay nghề thế giới.
Qua kỳ phỏng vấn, Thế Diệu trở thành nhân viên của công ty khi kết thúc năm học thứ nhất. Sau hai năm bảo lưu học tập để làm việc tại công ty, chuẩn bị cho kỳ thi, Thế Diệu đã trở lại trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội để hoàn thành nốt chương trình học.
Nam sinh tâm sự năm 2015, thấy mình không đủ khả năng thi đỗ trường đại học kỹ thuật lớn, Diệu quyết định chọn học nghề. Em được bố mẹ ủng hộ, cho lựa chọn ngành học yêu thích.
Được tiếp xúc những bản vẽ của môn Công nghệ từ năm lớp 11, Diệu rất hứng thú và học tốt môn này.
Tìm hiểu thông tin, thấy trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội có nhiều hợp tác với doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, Diệu đăng ký nguyện vọng và trúng tuyển ngành Cắt gọt kim loại.
“Em cho rằng có tấm bằng đại học không quan trọng bằng mình học được và có kỹ năng gì sau 3 năm. Học nghề, em rút ngắn được thời gian, giảm chi phí và có việc làm. Bố mẹ em cũng không định kiến con phải học đại học, ra trường có tấm bằng. Vì vậy, khi em chọn học nghề, bố mẹ đồng ý luôn”, Diệu kể.
Thành viên đoàn Việt Nam trên khán đài trong lễ bế mạc kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. |
Nỗ lực để thành công
Cuối năm 2016, nam sinh đăng ký khi doanh nghiệp DENSO liên kết với nhà trường cần tìm ứng viên cho cuộc thi tay nghề thế giới 2019.
Thế Diệu kể để trở thành nhân viên của công ty, cậu phải trải qua bài thi tuyển chọn của doanh nghiệp. Nhờ những kiến thức cơ bản của năm thứ nhất và sự tìm tòi của bản thân, Diệu đã vượt qua thử thách. Cậu bảo lưu hai năm học để chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề thế giới.
Ở vòng sơ tuyển, hơn 100 thí sinh đến từ các trường đại học, cao đẳng phía Bắc, phải vượt qua các phần thi: Làm toán nhanh, IQ và kiểm tra lý thuyết.
Doanh nghiệp chọn 10 người, đào tạo 3 ngày, sau đó tiếp tục chọn 4. Bốn thành viên được học tại Viện Đào tạo kỹ năng nghề trong một năm, sau đó lựa chọn 2 người để luyện tập thêm một năm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh (bên trái) tặng hoa Trương Thế Diệu. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. |
Thời gian này, Diệu phải thực hành ít nhất 10 tiếng mỗi ngày. Đến tháng tư, cậu trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam thi môn nghề phay CNC tại kỳ thi tay nghề thế giới 2019.
Môn nghề phay CNC diễn ra từ 23 đến 26/8, tổng thời gian làm bài là 18 giờ. Thí sinh lần lượt vượt qua 3 bài thi, mỗi bài gồm phần lập trình trên máy tính, sau đó gia công trên máy CNC với vật liệu nhôm hoặc thép.
“Những kiến thức của nghề phay CNC là nâng cao, em được học khi doanh nghiệp đào tạo. Hai năm qua, em học chương trình, bám sát kỹ thuật, hướng đến cuộc thi. Nếu ở trường cao đẳng, sinh viên sẽ học điều khiển bằng tay, là phần cơ bản, cần thuần thục trước khi nâng cao, doanh nghiệp sẽ đào tạo các thao tác, lập trình trên máy”, Trương Thế Diệu nói.
Nam sinh cho hay với các trường nghề, việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp là cần thiết. Nhà trường không có đủ máy móc hay kinh phí đào tạo. Chỉ khi có doanh nghiệp tham gia, sinh viên mới được học những kỹ năng nâng cao về cắt gọt kim loại.
Trương Thế Diệu tâm sự cậu học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng. Kết quả của cuộc thi, Diệu giành giải bạc tại môn nghề phay CNC, cùng thứ hạng với thí sinh Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam trong 7 lần tham gia kỳ thi tay nghề thế giới.
Hiện tại, nam sinh trở lại trường, vừa học vừa làm tại công ty. Sau một năm học trường nghề, khi trở thành nhân viên của doanh nghiệp, Diệu đã có lương, tự chi trả cho những chi phí của cậu sinh viên xa nhà.